728x90 Banner

Tin mới
Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

[Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 4 - Phần 2) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh


CHƯƠNG 4: GIỎI LÀM ĂN (PHẦN 2)


2. Chằm Ngăm đi bán cá con

Tục ngữ có câu :” Cái khó ló cái khôn” . Hoàn cảnh khó khăn của Mão Điền (đất chật , người đông) đã ló ra cái khôn : phát triển ngành nghề. Trong đó có nghề cá đứng ở vị trí quan trọng hàng đầu.
Nghề làm cá Mão Điền có lịch sử khá lâu đời. Nguyễn Thăng – tác giả cuốn “ Kinh Bắc phong thổ ký” viết năm Đinh Mão, Gia Long thứ 6 (1807) cho biết : “ Mão Điền chi dưỡng tiểu hoa ngư” (Mão Điền có nghề nuôi cá con)
Nhưng theo truyền thuyết thì nghề nuôi cá Mão Điền có từ thời kỳ thành lập làng. Ở vùng đất trũng, người dân phải đào đất đắp nền nhà, để lại những cái ao. Vốn thông minh, cần cù, Mão Điền đã lợi dụng hệ thống ao dày đặc ấy để ươm nuôi cá giống, rồi đem đi bán khắp nơi , hình thành một nghề đặc biêt.
Đến thế kỷ 19, nghề cá Mão Điền đã khá phát triển :
Từ năm Tự Đức thất niên (1853) 
Hai làng Mão Điền thả cá xi xao
Hai câu mở đầu bài vè dẫn trên đã mô tả được không khí đông vui, sầm uất của nghề cá hai làng Mão Điền. Nó cũng chứng tỏ nghề này có từ lâu, đến đầu triều Nguyễn thì đạt tới trình độ một ngành sản xuất lớn, được dân hai làng tham gia đông đảo.Sự phồn thịnh của nghề cá Mão Điền ngày xưa đã từng là mơ ước của nhân dân nhiều địa phương. Làng Hà Liễu, tổng Bất Phí, huyện Võ Giàng ( nay thuộc xã Phượng Liễu, Quế Võ ) còn lưu truyền câu hát :
Làng Hà có ruộng hàng trăm
Cũng không bằng được cái săm Mão Điền
Vốn giỏi làm ăn, người Mão Điền đã sáng tạo ra cả một quy trình kỹ thuật vớt cá, ươm nuôi cá hoàn thiện:
Tháng tư chớp bể mưa nguồn
Hỏi anh hàng cá có buồn hay không? 
Tháng tư chớp bể mưa giông
Hỏi anh hàng cá ra sông có buồn?
Bắt đầu từ tháng tư âm lịch, ban đêm nhìn lên trời thấy chớp nhay nháy, báo hiệu mưa đầu nguồn, mùa cá đẻ. Những người làm nghề cá vội vàng gồng gánh thùng sơn, săm, vợt lên chầu chực ở bờ sông Đuống. Họ dựng những túp lều sơ sài, chật chội làm nơi trú ngụ hàng tháng. Khi dòng nước lũ đỏ ngàu, mang theo củi rác lềnh bềnh trôi trên mặt sông nước doi mặt gương thì cũng là lúc trên bờ cánh hàng cá hoạt động nhộn nhịp khác thường.
Suốt đêm ngày người ta buông vợt đón lấy ngọn nước có mang theo trứng cá nhỏ li ti. Cắm vợt phải chọn nơi nước chảy vừa phải.Bờ bên lở nước chảy quá xiết dễ làm rách vợt. Bờ bên bồi mực nước nông, chảy chậm, lại không thu được cá. Nước sông đỏ ngầu phù sa tạo thành “ bớn” bám vào làm cho săm bí, nặng, dẫn đến thủng săm, đứt dây, trôi đi mất. Cho nên phải luôn luôn lội xuống lấy tay té bớn cho săm thoáng…Trứng cá qua săm lọt vào “giành”, được giữ lại trong túi bằng tơ tằm, còn nước thì qua cửa “ phóng” trôi đi. Thế là “lọc nước lấy cái” . Người ta dùng vợt tơ (tơ tằm dệt dày) vớt cá đổ vào tráng (một loại giành to) hoặn mang lên bờ đổ vào một cái thùng đào sẵn, chứa đầy nước. Tráng được lót trong bằng lụa tơ tằm. Thùng phải làm “lú”, khi tát, nước đọng vào lú. Rồi ép rồi sân để chọn lấy giống cá mong muốn như mè, trôi… và cũng là loại ra những giống cá dữ như cá măng, cá kìm (còn gọi là cá rồng). Những công việc này phải làm rất khẩn trương do đó người làm cá hầu như bận rộn, tất bật suốt ngày đêm. Dẫu vất vả mệt mỏi song không ai dám nghỉ ngơi bởi “ trống canh giành bạc “ , trúng nước cá rộ có thể bằng làm ăn cả mùa. Kinh nghiệm dân gian cho biết cá lấy vào dịp tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5) thường là nước cá nhiều và tốt nhất. Do đó “gặp ngày giỗ bố cũng không bỏ nước cá mồng năm”.
Thời gian vớt trứng cá ở sông kéo dài từ tháng Tư đến tháng Bẩy . Khi con nước chở mã xuất hiện cũng kết thúc thời kỳ vớt cá. Nói là vớt trứng thực ra lúc này trứng cá đã nở thành con, thỉnh thoảng mới thấy cái trứng nứt vỏ, chú cá con còn đội ở trên đầu. Với con mắt nghề nghiệp, người làm cá đã có thể phân biết từng loại cá ngay khi chúng còn nằm lạng dưới đáy bát. Từ đó mà có quyết định nước cá nào nên lấy, loại cá nào cần nuôi, loại cá nào có thể bán bột…
Sau khi vớt được cá là quá trình nuôi dưỡng, thuần hóa rất công phu trong hồ, ao. Sau tiêu chuẩn “sâu ao, cao bờ” thì làm vệ sinh cho ao là tiêu chuẩn thứ hai. Nếu có điều kiện tát cạn , phơi ải là tốt nhất. Không có điều kiện phơi ải thì phải vét bùn, dùng vôi bột tiêu diệt các loài ăn cá như săn sắt, ếch, nhái và giảm độ pH (độ chua). Nước ao luôn có màu xanh nõn chuối là nước ao đạt tiêu chuẩn cần thiết cho cá phát triển. Nước trong suốt là dấu hiệu chua , phèn. Nước xanh đen là nước thối do quá nhiều chất mùn, hữu cơ.Ao không đạt tiêu chuẩn thì dù giống cá tốt cũng không thể năngsuất cao. Vì vậy mà có câu “ nhất trì nhì ngư” (thứ nhất là ao, thứ hai là cá).
Cá nuôi lớn chừng 2 – 3 cm, gọi là cá hương . Khi ấy người ta vớt lên dùng thúng sơn gánh đi bán khắp nơi. Dù trải qua bao nhiêu công phu khó nhọc nhưng kết quả chẳng mấy khi được như ý muốn. Nghề làm cá ví như một cuộc đỏ đen, chóng được cũng chóng mất:
Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc” . Cho nên người ta đành an ủi :
Nuôi tằm, thả cá, nuôi con
Trong ba nghề ấy ai còn khoe khôn?
Ngay cả khi bán cá, cầm tiền trong tay đừng tưởng đã chắc. Có bài vè kể chuyện ông Hương Mền nào đó ngày trước đi bán cá rồi thua bạc trắng tay:
Đêm ba mươi cắt lũy ra về
Khen cho mẹ con nhà bayĐã gói được bánh lại hay cả giò
Ví dù Tết để tao loTrong ba ngày Tết chỉ có nhang thờ mà thôi…
Phải đến những thập niên 60‐80 của thế kỷ XX, dưới chế độ mới, nghề cá Mão Điền mới đạt đến mức thịnh vượng. Được chính sách chăn nuôi thủy sản của Đảng và nhà nước khuyến khích , được sự hỗ trợ của các HTX nông nghiệp, tín dụng, mua bán… nghề cá Mão Điền thực sự trở thành một nghề sản xuất chính của xã, thu nhập chính của người dân. Những năm ấy cá Mão Điền đã có mặt trên khắp đất nước, bằng đủ các loại phương tiện vận chuyển : Ô tô, xe đạp, máy bay… Từ chỗ vớt cá thiên nhiên ở sông theo mùa nước là chính, Mão Điền đã mời kỹ sư, chuyên gia thủy sản, xây bể cho cá đẻ nhân tạo. Năm 1987 trại cá Mão Điền sản xuất được 28 triệu con cá các loại. Năm 1989 : 40 triệu con. Năm 1990 : 54 triệu. Từ năm 1991 khoán sản phẩm cho tư nhân, mỗi năm trại thu hoạch trị giá 40 tấn thóc.
Ở Mão Điền giữa người sản xuất và người mua đem đi bán có hình thức cấp vốn cho nhau. Mặc cả thành giá là đánh cá, chuyển cá đi bán. Bán xong trở về mới thanh toán tiền. Nhờ hình thức này người không có vốn vẫn có cơ hội làm ăn và thu nhập. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhiều gia đình nhờ nuôi cá mà xây được nhà lầu, sắm được xe máy. Đến nay khó tìm thấy ngôi nhà tranh, cái sân đất nữa.
Từ năm 1993 trở lại đây, nghề cá Mão Điền đứng trước thử thách mới. Chế độ bao cấp xóa bỏ , kinh tế thị trường phát triển. Nhiều nơi sản xuất được cá giống, cá Mão Điền mất vị trí độc tôn. Tất cả những trở ngại ấy làm cho sức tiêu thụ và chỉ số thu nhập ngày càng tụt xuống. Đời sống người dân Mão Điền đi vào thế dẫm chân tại chỗ và có nguy cơ sa sút. Giải quyết vẫn đề này như thế nàolà bài toán hóc búa, là nỗi niềm trăn trở của mỗi người dân MãoĐiền.


Phần tiếp theo Chương 4: Giỏi làm ăn -Phần 3
Bản mềm do người chuyển bản điện tử cung cấp.
Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức!
  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: [Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 4 - Phần 2) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh Rating: 5 Reviewed By: Unknown