Giới thiệu:
Phong thổ Mão Điền
Nguyễn Duy Hợp biên
soạn
Nhà xuất bản văn hóa ‐ dân tộc – Năm 2001
Chuyển bản điện tử
: Người Kinh Bắc – Nguyễn Xuân Thấu 09/2007
Chương 0: Lời
nói đầu
Xã Mão Điền tọa lạc
ở bờ Nam sông Đuống, là cực đông của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước
năm 1945, đây là địa dư của ba xã Mão Điền Đoài, Mão Điền Đông và Thụy Mão, thuộc
tổng Thượng Mão, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc.
Nằm trong vùng đất
ngàn năm văn hiến, Mão Điền có diện tích tự nhiên là 431 ha ( canh tác 351, thổ
cư 80 ha). Dân số trên 12.000 người, 60 dòng họ, đều là dân tộc Kinh.
Tính từ khi thành
lập(1010) đến nay, Mão Điền đã trải qua một thiên niên kỷ. Trong chiều dài lịch
sử ấy, người Mão Điền đã phải gian khổ và anh dũng lao động, đấu tranh với
thiên nhiên và xã hội để tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên cuốn
Phong thổ Mão Điền này lại không chủ yếu làm nhiệm vụ chép sử mà muốn từ góc
nhìn văn hóa tìm đến vẻ đẹp làm nên bản sắc Mão Điền nói riêng, làng quê Việt
Nam nói chung.
Nét nổi bật nhất
trong những giá trị của Mão Điền là tinh thần cộng đồng gia tộc‐ làng xã. Con
người ( hiện tại ) được đặt trong mối quan hệ với tổ tiên ( quá khứ ) và con
cháu ( tương lai ); gắn chặt thế giới này với thế giới bên kia( thần linh ). Nó là mạch nguồn của
nhiều thuần phong mỹ tục lâu đời, đồng thời cũng là cơ sở cho nhiều giá trị
tinh thần khác( như tình yêu quê hương đất nước, thói quen trong lễ nghĩa, đạo
đức , lối sống cần cù, giản dị…)
Tinh thần ấy sâu
rễ bền gốc đến mức mỗi thành viên trong họ, trong làng đều biết tự giác giữ gìn, không muốn xảy
ra lỗi lầm, phạm đến danh dự tổ tiên, xóm mạc.
Cũng chính ý thức
đòan kết cộng đồng, tôn trọng lệ làng, phép nước tạo nên sức mạnh giúp Mão Điền
trụ vững nơi đồng trũng, vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thiên tai, địch
họa. Triều đình Tự Đức tặng bảng vàng “ Mỹ Tục Khả Phong “ cho Mão Điền là sự
đánh giá cao truyền thống văn hóa tốt đẹp đó.
Vốn sinh ra và lớn
lên ở Mão Điền, từng mắt thấy, tai nghe nhiều sự kiện nơi làng quê, nhưng để
biên soạn cuốn xã chí này, từ năm 1973, tác giả đã phải tìm hỏi các bậc cao
niên, thu thập, ghi chép và dịch hầu hết bia đá, chuông đồng, gia phả, thần
tích… rải rác các nơi làm tài liệu.
Tác giả tự biết :
viết về đời thường của một làng quê bình thường, không mang tiếng “ mẹ hát, con
khen” là may, đâu dám phô trương mua cười thiên hạ. Song bạn hữu và những người
đồng hương muốn có một kỷ vật chung về nơi “ chôn rau cắt rốn” đã nhiệt thành động
viên, khuyến khích nên in thành sách. Rồi lại được nhà xuất bản Văn hóa‐ Dân tộc
giúp đỡ, tạo điều kiện cho Phong Thổ Mão Điền ra đời.
Mặc dầu được viết
ra với tất cả tấm lòng yêu quê hương, nhưng vì trình độ có hạn, cuốn sách chắc
chắn không tránh khỏi thiếu sót. Tác giả mong được sự chỉ bảo, góp ý của đông đảo
bạn đọc, đặc biệt là những bạn đọc ở địa phương sở tại.
Nếu như cuốn sách
nhỏ này có thể đóng góp một chút gì vào sự nghiệp giữ gìn và xây dựng nền văn
hóa Việt Nam “ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì vinh dự đó thuộc về các
thế hệ người dân đã làm nên “ Phong Thổ Mão Điền”
Mùa Hạ năm Tân Tỵ
‐ 2001 Nguyễn Duy Hợp
Phần tiếp theo Chương 1: Kiểu đất rồng nằm.
Bản mềm do người chuyển bản điện tử cung cấp.
Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét