728x90 Banner

Tin mới
Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Độc đáo “CẤT CÂY ĐÁM” Đình Mão Điền Đoài

(MaoDien)-Làng Chằm (Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh) là làng cổ vẫn còn nguyên vẹn hình tích từ khi lập làng cho đến nay, mặc dù dân số đã phát triển đông đúc đến trên mười nghìn người.Nét hiện đại xen lẫn nét truyền thống là đặc trưng nổi bật nơi đây. Sở dĩ có được nét riêng ấy là do lịch sử lập làng. Làng là xã. Tên xã lấy từ tên hai xã có đất để lập làng là Thụy Mão và Ngâm Điền.
    Trong lịch sử, xã Mão Điền , gồm mười bốn xóm cổ: xóm Bàng (Bàng Đức thôn), xóm Cả (Cao Đại thôn), xóm Ngòi (Đa Phú thôn), xóm Hồ (An Lãng thôn), xóm Đình (Đại Đình thôn), xóm Ba (Thịnh Phú thôn), xóm Mận (Hưng Thịnh thôn), xóm Lũy (Cổng Lũy thôn), xóm Hậu (Đức Hậu thôn), xóm Tủng (Thái Lạc thôn), xóm Táo (Đông Yên thôn), xóm Công (Đông Công thôn), xóm Nội (Gia Hội thôn), xóm Nội Đông (Đông Phú thôn). do dân số đông nên đã được chia tách lập xã mới là Mão Điền Đoài và Mão Điền Đông. Có lẽ duy nhất cả nước là ở đây xã mới không chia dân số theo khoảnh tre thông thường mà chia theo dòng họ. Vì thế dân số của hai xã đều nằm trên 14 xóm, hỗn canh hỗn cư như lúc chưa chia tách xã. Đó là nét rất riêng để làng Chằm cổ vẫn còn giữ được nguyên hình tích cho đến tận ngày nay.
Theo sự chia tách, người xã Mão Điền Đoài sinh hoạt thờ thánh tại đình Đoài. Tổng số gần 30 cửa họ với dân số gần 2/3 cả xã Mão Điền hiện nay. Đại diện các dòng họ và đại diện các xóm bầu ra Ban khánh tiết 22 người nhiệm kì 3 năm để điều hành việc tế tự. Ngoài Ban khánh tiết, theo lệ cổ duy trì liên tục đến nay làng còn bầu một vị quan đám kiêm thủ từ mỗi năm một lần. Hiện làng còn lưu giữ bản danh sách các vị tế chủ từ năm 1884 đến năm 1954 gồm 114 người. Tiêu chuẩn bầu quan đám là phu phụ song toàn, tử tôn hưng vượng, đạo đức mẫu mực, không mang tang bụi. Khi được làng bầu thì ông quan đám sẽ dành thời gian sống chủ yếu ở đình, không có phụ cấp lương bổng, vừa có trách nhiệm trông coi đình, vừa có trách nhiệm lo hương nhang ngày sóc vọng nên còn được gọi là thủ từ. Khi làng vào đám thì quan đám có vinh dự giữ chân chủ tế. Việc bàn giao quan đám diễn ra trước khi làng làm lễ nhập tịch, gọi là lễ “Cất cây đám”. Cây đám bằng gỗ sơn son, dài 4 mét, đường kính 8 cm. Ngày thường cây đám được gác lên hai con bọ đóng ở hai cây cột gian giữa đình, cách nền 2 mét. Ngày 3/Hai hạ cây đám xuống. Sáng sớm ngày 4/Hai đặt cây đám trên hai chiếc đẳng gỗ cao 0,95m. Ông đám cựu đứng cạnh đẳng phía tây, ông đám tân đứng cạnh đẳng phía đông. Chiêng trống nổi. Phường ca trù tấu nhạc. Ông đám tân có đào nương đỡ giọng, nhìn vào đình đọc bài chào: Phụng điệu/Thần làng tôi chào đức Đệ nhất đại vương/Thần làng tôi chào đức Đệ nhị đại vương/Thần làng tôi chào đức Đệ tam đại vương/Tôi lại chào ông Văn Trai tiên sinh, ông Trúc Hiên tiên sinh, bà Thị Huyên tiên sinh, ông Trung Lương tiên sinh, 12 họ tiên sinh về đình nghe hát/Phù hộ cho làng hòa cốc phong đăng/Phù hộ cho làng vật thịnh nhân khang/Phù hộ cho làng lão đương ích tráng/Phù hộ cho làng trai gái yên lòng.
Đọc dứt câu hai ông đám cựu đám tân có đào nương giúp sức cùng nâng cây đám đặt vào con bọ.
Quan đám hiện nay là ông Nguyễn Mậu Đán, người được làng tiến cử hai khóa liên tiếp.
Đình Đoài là ngôi đình rất cổ xưa và liên tục được tôn tạo khang trang bề thế. Khuôn viên đình rộng 1559 m2, có ao phía trước và phía sau. Ao phía trước rộng khoảng 1 sào có bãi đất ở giữa gọi là “Kim ngân thủy đốn”, năm 2006 được tu tạo lại thành thủy đình. Đình có tường bao, Tam quan xây mới năm 2010, cấu trúc hình chữ công, gồm tòa đại bái, gian ống muống và hậu cung, kết cấu khung gỗ chịu lực con chồng giá chiêng, chạm khắc tinh xảo. Phía trước là hệ thống cửa ghép, bên trong có sàn gỗ hai bên nhưng do xuống cấp nên làng đã thay bằng lát gạch năm 2000. Cửa vào gian ống muống là bức cửa võng sơn son thếp vàng treo bức hoành phi “Thánh cung vạn tuế”. Hậu cung bày đặt ban thờ thánh có bức tranh ghép gỗ vẽ chân dung tam thánh rất sống động và uy nghiêm. Trong đình còn bày ban thờ các vị hậu thần ở hai bên tòa bái đường. Ngôi đình cổ được tu tạo vào các năm Ất Hợi đời Gia Long (1815), năm Canh Tuất đời Tự Đức (1850), năm Kỉ Mùi đời Khải Định (1919).
Trong đình còn lưu giữ nhiều đồ thờ cổ, bia đá, hoành phi câu đối. Bia đá cổ “Trùng tu đình bi kí” dựng năm Đoan Thái thứ 2 thời Mạc (1587) cho biết những người hưng công tu tạo đình và sau được thờ làm hậu thần là chánh võ úy Vũ Kì, Trúc Hiên tiên sinh, nho sinh Nguyễn Chí Thiện. Đình có nhiều bức hoành phi câu đối niên đại khác nhau. Bức hoành phi “Mĩ tục khả phong” do vua Tự Đức ban tặng năm Tân Mùi (1871). Câu đối tiêu biểu có câu:
Lịch sĩ tham mưu trương thánh đức
Phù Lê thảo Mạc kỉ thần công
Nghĩa là: Giúp Lê dẹp Mạc ghi công thánh/Quan cả mưu cao tỏ đức thần.
Đức thánh của làng thờ ở đình là Tam vị đại vương họ Chu.
Theo thần phả và đối chiếu với tư liệu lịch sử thì Tam vị đại vương là anh em sinh ba trong gia đình họ Ma ở Phủ Lạng Thương, gốc người phương Bắc. Ngày 13/8/1453 họ Ma sinh ba con trai thì đổi sang họ Chu. Tam vị đều thông minh đĩnh ngộ từ nhỏ, văn võ toàn tài. Năm 27 tuổi (1479) ba vị thi đỗ tiến sĩ, làm quan thời vua Lê Thánh Tông và qua các đời Hiến Tông, Uy Mục đế, Tương Dực đế và Chiêu Tông đến chức Hộ bộ thượng thư. Năm 1522 Mạc Đăng Dung lộng quyền, vua xuất cung ra vùng Thạch Thất phát hịch Cần Vương. Mạc Đăng Dung lập hoàng đệ Xuân lên ngôi, lui quân về Hải Dương, đắp phòng tuyến Cẩm Giàng chống giữ quân đội của vua Chiêu Tông. Quân chủ lực của vua Chiêu Tông hợp binh ở Kinh Bắc. Tam vị đại vương cũng kéo quân bản bộ đóng đồn ở xã Mão Điền. Tại đây Tam vị tuyển binh và tổ chức huấn luyện chiến đấu. Nhưng chưa kịp phát binh thì Tam vị đã hóa trong đêm 15/3/ 1523. Vua Chiêu Tông thương xót ban sắc cho dân làng thờ làm thượng đẳng thần.
Nơi thánh hóa dân lập miếu thờ, nay gọi là Miếu Hào.
Bãi huấn luyện quân, dân lập ban thờ gọi là Đình Vật.
Hằng năm để tưởng nhớ thánh, hội làng ngày mồng 4/Hai âm lịch đều tổ chức đấu vật ở Đình Vật, thu hút nhiều đô vật giỏi trong vùng đến dự. Tinh thần thượng võ, chuộng chính nghĩa được Tam vị đại vương truyền lại luôn rực cháy nơi quê hương Mão Điền. Khi dân số đông, xã Mão Điền chia tách làm hai thì nghi thức thờ thánh ở đình riêng nhưng lại có tục tế giao hảo thành thử vẫn là tế chung ở cả hai đình. Phong tục tốt đẹp này được ghi lại ở câu đối Đình Vật:
Nhị xã hội thông chiêu văn chiêu vật
Ức niên hương hỏa tại miếu tại đình.
Năm 2009 đình Đoài được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Tín ngưỡng thờ thành hoàng được duy trì truyền đời tạo nên một truyền thống văn hóa đặc sắc của người Việt không một thế lực ngoại bang nào có thể đồng hóa được qua mấy nghìn năm lịch sử. Người làng Chằm tự hào viết vào bia đá dựng ở cổng Cả từ mấy trăm năm trước: Thuận An có Mão Điền/Hiền tài nối tiếp sinh/Nông bề bề giàu thóc/Sĩ lớp lớp đề danh/Công tiếng khen nhất phẩm/Thương tiền lãi ngàn linh/Quan viên đông khắp xã/Phúc lộc hưởng rành rành/Con cháu thịnh tới tới /Thọ trường mãi mãi xanh.
Thời xưa làng có danh nhân khoa bảng Ngô Huy Tuấn, Vũ Đăng Toàn. Ngày nay làng nổi tiếng cả nước là làng đại học. Di dân bằng con đường khoa cử. Mỗi năm có trên trăm người vào trường đại học, cao đẳng. Lớp trước có người làm đến thứ trưởng, đại tá quân đội hoặc nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Lớp trẻ hôm nay là những tiến sĩ, thạc sĩ , cử nhân khoa học “quan viên” không phải chỉ đông khắp xã mà là đông khắp cả nước. Người không thành đạt bằng khoa cử thì thành đạt bằng nghề. Trước đây làng nổi tiếng với nghề làm cá bột bán khắp miền xuôi miền ngược, trong nam ngoài bắc. Những nghề thủ công như làm bánh cuốn, bánh dày, bún, nấu rượu cũng phổ biến. Ngày nay làng còn mở thêm nhiều nghề mới đáp ứng thị trường cả nước. Bản tính năng động luôn nhạy bén trong cơ chế thị trường đem lại hiệu quả kinh tế cao, bộ mặt làng quê khởi sắc từng ngày.
  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: Độc đáo “CẤT CÂY ĐÁM” Đình Mão Điền Đoài Rating: 5 Reviewed By: Unknown