728x90 Banner

Tin mới
Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

[Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 4 - Phần 4) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh


CHƯƠNG 4: GIỎI LÀM ĂN (PHẦN 4)

4.Chợ Chằm một tháng sáu phiên.
Chợ Chằm một tháng sáu phiên.
Nếu các nghề làm ruộng, làm cá, mổ thịt và nhiều nghề lặt vặt khác như nấu rượu, làm quà bánh, khâu nón Chằm, hàng xáo… là biểu hiện cho sự tài giỏi làm ăn, xoay sở kiếm sống của người Mão Điền thì đình Chợ và Chợ Chằm lại là bằng chứng cho một nền kinh tế hàng hóa phôi thai sớm hình thành ở nông thôn xứ Bắc. Ngày xưa, để có nơi trao đổi sản phẩm, phục vụ cho nhu cầu sinh họat của dân, nhiều làng đã xin phép mở chợ. Tuy nhiên chỉ những chợ to, buôn bán sầm uất, được nhiều địa phương khác đến họp thì mới có đình chợ.Kiến trúc đình Chợ đơn giản hơn các ngôi đình thường gặp, được dựng ngay giữa chợ để thờ Tổ sư bách nghệ. Tổ sư bách nghệ là một vị thần (hay nhiều vị) dậy dân làm trăm nghề khác nhau. Đã là thần tất có quyền sinh phúc, giáng họa. Do đó người ta làm lễ cầu thần để được mua may bán đắt hoặc giải họa trừ tai. Ngoài phần tín ngưỡng, đình chợ còn là trung tâm giao dịch, mua bán, đổi chác. Ở đây người ta mang chào hàng những sản phẩm mới nhất, đẹp nhất. Cũng chính nơi này có thể định đọat giá cả, ký những hợp đồng thương mại. Khi có những sự lừa đảo, gian lận hai bên thường đập bát thề trước cửa đình. Phải chăng từ xa xưa thần linh đã đóng vai trò trọng tài công minh, chính trực ở chốn thương trường? Đình chợ Mão Điền bị chiến tranh phá hoại, nay được thay bằng một ngôi miếu nhỏ.Chợ Chằm là một trong những chợ lớn của huyện Thuận Thành. Nằm ở địa điểm giáp ranh giữa hai huyện Thuận Thành và Gia Bình, chợ Chằm có hình dáng con nhện chăng tơ (thù chi kết võng) mà mỗi sợi tơ là một con đường dẫn về các ngả. Nó thu hút được đồ đồng từ Đại Bái đưa lên, thóc , gạo từ vựa lúa Nghi An, Lương Tài đổ tới, lụa tơ tằm từ Ngăm Điền mang sang, hàng mã từ Đông Hồ, làng vàng Lạc Thổ, hàng vải Đại Mão… chuyển về.Những mặt hàng như dó bị làng Tỏi, thúng mủng Đông Côi, hoa quả, rau tươi Văn Thai, thậm chí chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa) cũng không phiên nào vắng bóng. Sở dĩ mặt hàng chợ Chằm phong phú, đa dạng vì chợ nằm cách xa trung tâm huyện lỵ, ít bị bọn quan lại, lính tráng hạch sách, nhũng nhiễu. Chợ lại ở giữa cánh đồng, tiện cho việc phân tán, cất giấu hàng hóa khi bất thường bị nhà chức trách kiểm tra thu thuế…Chợ Chằm họp mỗi tháng sáu phiên vào các ngày mồng 4, 9, 14, 19, 24, 28. Một điểm cần lưu ý : lịch họp chợ hình như có sự tính toán cho phù hợp với tiết lệ trong tháng, trong năm. Đi chợ phiên 14 là để sắm lễ cho ngày rằm (15 hằng tháng). Đi chợ phiên 28 sắm lễ cho ngày Ba mươi, mồng một (ngày sóc). Phiên chợ 28 tháng Chạp cuối năm được gọi là chợ tết. Đi chợ Tết là một thú chơi văn hóa. Có nhiều người quanh năm chẳng làm nghề thương mại, đến Tết cũng đi chợ để mua một cành đào, một tờ tranh hoặc chỉ để ngắm muôn ngàn màu sắc cho vui.Phiên chợ đầu năm (mồng Bốn tháng Giêng) là phiên chợ dành cho người đã mất. Sáng sớm hôm đó các gia đình cúng tổ tiên rồi hóa vàng cho ông bà ông vải kịp đi chợ. Nghe nói ngày xưa âm dương họp chợ chung, người đi chợ phải mang theo chậu nước để thử.Tiền âm thì nổi tiền dương thì chìm. Về sau thấy bất tiện nên người sống nhường phiên chợ mồng bốn Tết cho người chết. Vì vậy tháng Giêng chợ Chằm chỉ có năm phiên.




Phần tiếp theo Chương 5: Chăm đèn sách -Phần 1Bản mềm do người chuyển bản điện tử cung cấp.Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức!
  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: [Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 4 - Phần 4) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh Rating: 5 Reviewed By: Unknown