728x90 Banner

Tin mới
Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

[Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 6 - Phần 3) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh


CHƯƠNG 6: ĐÌNH CHÙA VÀ LỄ HỘI (PHẦN 2)



CHÙA KHÁNH LÂM còn gọi là chùa Chằm là chùa chung của hai xã Mão Điền ngày xưa. Chùa xây dựng từ bao giờ không rõ. Nghe nói trước đây chùa ở khu vực đầu xóm Ngòi, có tên Chùa Mồ, sau mới dời đến địa điểm hiện nay. Chùa Khánh Lâm tọa lạc bên Bãi Cao, di tích ngọn núi Chằm, nơi có mặt bằng cao nhất xã. Chùa đứng tách hẳn làng xóm, có nhiều cây cổ thụ xanh tốt rườm rà, nên càng thêm thâm u, tịch mịch. Cảnh trí ấy rất thích hợp cho kẻ tu hành di dưỡng tinh thần, xa lánh cuộc đời ồn ào, gió bụi.
Phần chính chùa bố trí theo kiểu chữ Tam (三). Ngoài cùng là Tam quan, kế đó là tòa tam bảo, sau Tam bảo là dãy nhà Tổ và thư phòng. Bên trái tam bảo là sân gạch và nhà Mẫu. Nối liền đầu với nhà Mẫu là nhà Khách. Giữa nhà Mẫu và nhà Khách có một lối ra đằng sau, nơi bố trí bếp, nhà vệ sinh, bể nước. Cuối nhà khách có một dãy nhà ngang, nhìn vào sân rộng chạy suốt trước nhà Khách, nhà Mẫu. Xưa đây là nơi ăn nơi ngủ cho thợ cày, thợ cấy làm việc giúp nhà chùa. Qua sân gạch ra ngoài là lối đi, vườn tháp và vườn cây.
Với sự bố trí như thế đã chia chùa làm hai khu, khu chính tam bảo thờ Phật, khu phụ thờ Mẫu và là nơi sinh họat của nhà chùa. Năm 1626 , giám sinh Nguyễn Nghĩa Lập, trong bài minh “ trùng tu Khánh Lâm tự” bằng thơ ngũ ngôn, đã tả cảnh chùa như sau:
Phiên âm :
Tự danh viết Khánh
Địa chiếm thanh u
Tam thiên thế giới
Tứ cố bản đồ
Bắc lâm cảnh thụy
Nam đạt tiên cù
Tả sơn cấn diểu
Hữu thủy đoài lưu
Sĩ vĩ công đức
Phúc lộc tổng tù
Bồ đề tâm phát
Đàn Việt thủ mưu
Đỉnh tân chế độ
Tráng lệ qui mô
Gia thanh ích trấn
Quốc tộ mặc phù
Đường xuân nhất thế
Thánh thọ vạn thu.

Dịch nghĩa:
Chùa tên là Khánh
Phong cảnh thanh u
Ba ngàn thế giới
Bốn cõi bản đồ
Bắc vào xóm đẹp
Nam tới đường to
Bên phải nước cuốn
Bên trái núi phô
Người chăm công đức
Phúc lộc gồm no
Lòng Bồ đề phát
Sức Đàn Việt tu
Công trình mới mẻ
Tráng lệ quy mô
Hạnh nhà bồi đắp
Thế nước điểm tô
Trời xuân một thuở
Tuổi thánh muôn thu.
Công cuộc trùng tu chùa Khánh Lâm lớn nhất được tiến hành vào năm 1642. Tín sĩ Vũ Lân tự Sùng Lễ, hiệu Phúc Thái và nhà sư trụ trì Nguyễn Nhân Tráng, tự Diệu Thành, hiệu Huệ Khánh là hai người đứng đầu công việc này. Họ được sự ủng hộ nhiệt thành của rất đông tín đồ trong xã và các huyện bạn. Đặc biệt có Trịnh Lệ ‐ con trai chúa Trịnh Tùng với chức danh Thắng Nghĩa dinh Phó đô tướng, Bắc quân Đô đốc phủ Tả đô đốc, Chưởng phủ sự, Thái bảo, Thượng trụ quốc, Quỳnh quận công giúp đỡ.
Đợt trùng tu này kéo dài tới hai, ba năm đã xây tòa Thượng điện, Thiêu hương, Tiền đường và tạc 24 pho tượng. Sau đó xây tường bao quanh và khắc bia kỷ niệm (1626).
Thời điểm trùng tu chùa Khánh Lâm (1624) trước thời điểm trùng tu chùa Bút Tháp (Ninh Phúc) (1646) trên 20 năm và cùng do giới quý tộc họ Trịnh tiến hành, là một bằng chứng cho thấy chúa Trịnh rất quan tâm đến đạo phật. Chùa Khánh Lâm cũng đồng thời là chốn thiền môn nổi tiếng bấy giờ.
Sau đợt “đại tu” này, chùa Khánh Lâm hầu như được ổn định, không phải xây dựng gì thêm. Mãi đến năm 1711, nhà sư trụ trì là Đạo Quang cùng dân hai xã mới dựng gác chuông. Có thể gác chuông cũ bị hư hỏng, nên nhà sư đã mua lại gác chuông của xã Sơn Nam, huyện Quý Dương, phủ Từ Sơn. Gác chuông này cùng tam quan chùa bị phá năm 1979.
Căn cứ vào lời văn khắc trong bia hậu Phật, được biết nhà sư Phổ Nhân sửa chữa tòa tiền đường và nhà sư Ma ha sa môn tự Thông Đại, pháp danh Tuệ Phong, mở rộng nhà thờ tổ, làm mới pho tượng Cửu long thập kiếp. Song những công trình ấy, họ tiến hành vào thời gian nào lại không được thông tin. Tuy nhiên một số hiện vật khác còn lại trong chùa đã giúp ta phác họa vài nét về những mốc tu sửa Khánh Lâm tự như sau:
Ngày 14 tháng Ba năm Quý Hợi, niên hiệu Gia Long thứ hai (1803) đúc thành công chuông đồng. Theo bài minh khắc trên chuông thì từ xưa chùa Khánh Lâm đã có quả chuông to lớn, do những người Đàn na đem của cúng giàng làm ra. Qua nhiều năm chuông bị hư hỏng. Các viên mục, kì lão trong xã và khách thiện tín mười phương đã cùng nhau trùng tu quả phúc. Họ mua sắm đồng đỏ, sáp trắng lập đàn cầu thần lửa, đốc thợ khéo nấu đồng. Nhờ có thần linh giúp đỡ, chỉ trong nháy mắt quả chuông đã đúc xong.
Cũng theo bài minh thì “ sau khi tháo bỏ khuôn cốt thấy chuông trong nhẵn láng bóng, không pha tạp chất. Các đường triện và vú chuông nổi rõ, sắc nét. Tiếng chuông ứng theo luật âm thanh càng treo cao càng vang xa. Qua sự mô tả tỉ mỉ và bàn luận khá sâu sắc về tiếng chuông của bài minh, có thể thấy đúc chuông là một sự kiện trọng đại vậy. Quả chuông nay vẫn còn, cao 1,54 mét, đường kính miệng 0,72 mét, nặng ước chừng trên 1000 kg.
Gần mười năm sau sự kiện đúc chuông, sự kiện làm nhà hậu lại được ghi chép bằng văn tự. Tấm bia đá dựng ngày 3 tháng Năm năm Nhâm Tí, niên hiệu Tự Đức 5 (1852) cho biết : Mùa xuân năm Nhâm Tí, kì lão hai xã cùng sư trụ trì bản tự phát bà tâm làm ba gian nhà ngói. Nhà này dùng để thờ hậu và những người không còn ai thờ cúng, nhưng tên tuổi đã có ở trong bia. Số người này thống kê được trên 200 suất, trong đó có người ở thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn và thôn Cáp xã Trạm Lộ. Họ cùng nhau đóng góp được hơn 300 quan để mua ruộng thờ. Số ruộng đó nằm rải rác 11 thửa, tổng cộng 1 mẫu 5 thước dư.
Hằng năm nhà sư trụ trì viết tên họ những người trong bia vào sớ, trích tiền mua sắm hương hoa lễ vật, trước cúng phật sau cúng hậu.
Phần cuối bia có một dòng chữ nhỏ, có lẽ khắc về sau cho biết danh sách những vị sư tổ đã trụ trì ở chùa Khánh Lâm cùng công đức của họ.
Đó là: Sư Đạo Quang chứa xá lị ở tháp Thanh Quang. Sư Ma ha diệu môn tự Phổ Nhân chứa xá lị ở tháp Chính Viên. Sư Mà ha sa môn tự Thông Đại, pháp danh Tuệ Phong chứa xá lị ở tháp Phương Đẳng.
Ba ngôi tháp Thanh Quang, Viên Chính, Phương Đẳng hiện còn trong vườn, trước của nhà khách.
Từ thế kỷ 20 đến những năm cuối cùng của triều đình Huế, những sự kiện chính trị to lớn trong nước đã vang dội vào cửa Thiền Môn. Chùa Khánh Lâm không còn vẻ sầm uất nữa mà càng trở nên tĩnh lặng, náu mình trong tiếng kệ, lời kinh. Sự xây dựng trong thời gian này rất thưa thớt. Được biết vào tháng Chín năm Đinh Sửu (1937) chùa có dựng một tấm bia. Nhưng tấm bia này chỉ là công đức của một bà già không con, đem ruộng gửi giỗ cho bố mẹ vào chùa, ăn mày lộc phật. Đáng kể hơn cả là việc đúc pho tượng Cửu long bằng đồng năm 1943. Nhân dịp này người ta cung tiến bức hoành phi “kiến long tại điền” và đích thân tổng đốc Phan Kế Toại về chủ trì lễ “hô thần nhập tượng”.
Chín năm kháng chiến chống Pháp, sư trụ trì bị bắt đi tù, nhà chùa có lúc biến thành bãi chiến trường. Phật chẳng độ nổi mình sao độ được chúng sinh? Nhất là sau khi nhà sư Minh Đức (Nguyễn Kim Tiến) mất, tháp mộ không được xây trong chùa (1954) thì bà thủ hộ và chú tiểu cũng chán nản bỏ đi. Chùa không có sư kéo dài hơn ba chục năm. Khi thì các ông thống (phù thủy) thay nhau đèn hương, khi thì xã cử một người bảo vệ.
Thời gian từ 1954 đến 1990, người ta biến chùa thành kho thóc, thành trụ sở đội hình sự, thậm chí xây lấp cửa nhà thờ mẫu và phá hủy cả tam quan (1979). Sau ngày Đảng và nhà nước có chủ trương đổi mới, chùa Mão Điền mới dần dần được khôi phục. Bắt đầu là việc dùng nguyên vật liệu cũ, xây lại gác chuông chùa (1989) và làm đơn đề nghị Hội phật giáo cho sư về chấp cảnh. Hai năm 1991 – 1992 nhà sư trẻ Thích Thanh Cẩm cùng ban kiến thiết xã đã vận động nhân dân đóng góp sửa lại nhà Tổ, trùng tu tòa Tam bảo, chữa nhà Mẫu và tạc ba pho tượng (thay thế tượng bị mất). Công việc này được toàn dân trong xã và những người làng di cử ở Sài Gòn, Hoa Kì nhiệt thành ủng hộ. Tên tuổi những nhà hảo tâm được khắc bia lưu giữ trong chùa.
Là một nơi thờ phật, nên sự bố trí lớp lang của chùa Khánh Lâm phải tuân thủ theo công thức chung, phổ biến trong cả nước. Song cùng với việc thờ Phật, chùa Khánh Lâm còn thờ Thành hoàng làng. Bàn thờ Thành hoàng ở phía đông Tam bảo, cùng hàng với hai vị Hộ pháp và Đức ông. Trên bán thờ có phù điêu bằng gỗ sơn son thếp vàng, dài 2 mét, cao 1 mét, chạm nổi ba vị đại vương uy nghi đường bệ cùng hai biển gỗ “hộ quốc”, “tí dân”. Câu đối thờ viết:
Tam linh cảnh ngưỡng lâm Thiền Vũ Ngũ phúc hoằng phu tích Phạm gia
(Đạo Phật hoằng dương ban ngũ phúc Rừng Thiền ngượng mộ đón tam linh)
Câu đối, hoành phi hiện còn không nhiều. Trong tam bảo ngoài bức “Kiến long tọa điền” còn bức “Khánh Lâm tự “ và câu đối:
Đại trí nhỡn viên minh, thiên thụy, nhân giao khai ám muội Diệu hành môn quảng đại, thử môn, tha giới tác truyền tri (Mắt đại trí sáng soi, trời thuận, người hòa xua đi tăm tối
Đạo tu hành rộng mở, cửa này, phép ấy truyền dẫn tinh thông Trong nhà tổ có bức “Truyền phật tâm ấn” và câu đối:
Tâm dĩ truyền tâm, tận khắc nhất thừa diệu đạo.
Đức nhi báo đức, mặc nhiên ngũ phấn chân hương (Tâm lại truyền tâm hiểu rõ nhất thừa mầu nhiệm Đức mà báo đức thấy ngay ngũ phấn chân thành)
Trong nhà Mẫu nơi thờ bà chúa Liễu Hạnh có đôi câu đối, vừa kể về thân thế của bà vừa ca ngợi cái đẹp, cái tài hoa của người thiếu nữ:
Trấp nhất kỉ tiên linh, thân thị Hằng Nga, tâm thị thánh Trùng tam qui đế mệnh, gia xưng Thần nữ quốc xưng vương
(Tuổi hai mươi mốt ở đời, thân tự Hằng Nga, lòng tựa thánh
Ngày ba tháng ba về cõi, nhà là thần nữ, nước là vương)
Ngày 3 tháng Ba hằng năm chùa Mão Điền tổ chức lễ dâng hương cúng Mẫu và hầu bóng suốt đêm. Năm nào có điều kiện thì tiến hành Hội Mẫu, rước kiệu từ chùa tới giếng Cả lấy nước làm lễ Mộc dục. Phù giá, phu kiệu, phu cờ cắt đặt, kén chọn toàn gái đồng trinh. Hội Mẫu chính là cuộc thi hoa hậu ở làng quê xưa vậy.


Phần tiếp theo Chương 6: Đình chùa và Lễ hội - Phần 4

Bản mềm do người chuyển bản điện tử cung cấp.


Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức!
  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: [Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 6 - Phần 3) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh Rating: 5 Reviewed By: Unknown