728x90 Banner

Tin mới
Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

[Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 6 - Phần 2) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh


CHƯƠNG 6: ĐÌNH CHÙA VÀ LỄ HỘI (PHẦN 2)

ĐÌNH ĐÔNG là đình của làng Mão Điền Đông. Đình xây dựng trên một khu đất rộng phía đông nam xã. Đứng ở đình Đông có thể nhìn bao quát những cánh đồng thẳng cánh cò bay của huyện Gia Bình kéo đến tận ngọn núi Thiên Thai huyền thoại. Chưa tìm thấy niên đại chính xác xây đình. Tuy nhiên có thể đoán không nhầm rằng đình Đông xây dựng sau đình Đoài, khi Mão Điền phân làm hai xã. Ở gian giữa (lòng máng) đình Đông, trước hương án có cây đèn bằng đá. Ngày xưa chưa có dầu hỏa, người ta thắp sáng bằng đĩa dầu lạc hay dầu chẩu, đặt trên đỉnh cây đèn để có ánh sáng xa rộng. Cây đèn cao 1,2 mét, tiết diện thân 0,16 x0,14mét, đế tròn có đài hoa sen. Một cạnh cây đèn khắc dòng chữ Hán “Vĩnh Thịnh thập tứ niên, tam nguyệt, cốc nhật tạo”. Như vậy có thể đoán định thời điểm xây dựng đình Đông là vào thời Lê, từ niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 – 1719) về trước.

Đình Đông có quy mô, kích thước giống như đình Đoài (trừ tòa đại bái có 7 gian). Song về phong cách kiến trúc thì hoàn toàn khác hẳn nhau. Nếu ở đình Đoài dấu ấn phong cách thời Nguyễn là chủ đạo thì ở đình Đông lại là phong cách đời Lê. Các đầu dư, bức cốn ở đình Đông được nghệ nhân thể hiện theo lối chạm lộng tinh xảo, khéo léo. Hoa lá, lý ngư, long mã v.v… rất chắc khỏe, sinh động. Sở dĩ có hiện tượng như vậy vì đình Đoài làm trước, phải sửa chữa, di chuyển nhiều lần, còn đình Đông làm sau, nhưng không phải di chuyển, thay đổi, nên vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.

Người được thờ ở đình Đông là ba vị tướng họ Chu như ở đình Đoài. Có một điểm khác về số lượng tờ sắc. Ở đình Đoài mỗi lần thường phong cho ba vị mỗi vị một tờ, trong khi đình Đông cả ba vị chung một tờ. Thành thử Mão Đoài có 10 lần nhận sắc phong mà số tờ lên đến 20. Trong khi đó Mão Đông nhận 11 lần chỉ có 11 tờ.

Ngoài ba vị thành hoàng, đình Đông còn có miếu nhỏ thờ ba cô, em gái ba vị, tìm anh rồi mất theo anh( câu đối nhắc đến tứ chung linh là do vậy). Lại thờ ba vị hậu thần phối hưởng. Đó là nho sinh Tú lâm cục, thăng Tiến công thứ lang, Ứng Thiên vệ Tri bạ Vũ Giác Huệ, giỗ ngày 12 tháng 10 và bà vợ cả hiệu Nhu Ý, giỗ ngày 10 tháng 10. Cả hai vợ chồng được thờ bên đông đình. Bên tây đình thờ ông họ Nguyễn thụy Trung Kính, giỗ ngày 19 tháng 5.

Cách bài trí cũng như đình Đoài, duy câu đối, hoành phi viết khác. Trước cửa khám trong hậu cung có bức hoành phi “ Túc thanh cao “. Giữa hậu cung là bức “Duy Nhạc giáng thần “ và “ Nhạn tháp liên huy “, ca ngợi ba vị vốn là thần núi Nhạc giáng thế, cùng đỗ nơi tháp nhạn, có phẩm chất thanh cao hơn đời.
Bên dưới là câu đối:
Thụy ứng quế hoa, giáp bảng Liên đề tam bạt tụy
Công thành Lê nghiệp, Mão kiều nhã hóa tứ chung linh
(Mộng được quế hoa, giáp bảng đề tên ba vị thánh
Công thành Lê nghiệp, Mão Điền hiển ứng bốn linh thần)
Đệ nhất giáp tiến sĩ liên đề, lực mậu khuông phù Lê hậu đế.
Thập tứ thôn phong như quân tứ, công hoằng tí hộ Mão Điền dân.
(Đệ nhất giáp tiến sĩ đề tên, hết sức khuông phò Lê hậu đế.
Mười bốn thôn sắc phong thờ cúng, dày công bảo hộ Mão Điền dân)
Cửa võng ngăn hậu cung với bên ngoài, trang trí, sơn thếp lộng lẫy. Phía trên cửa võng có ba chữ VI CHI HIỂN trong ô vuông.
Dưới ba chữ ấy có bốn chữ nhỏ hơn QUAN THÍNH NGHIỄM NHIÊN. Hai bên là câu đối.
Cột cái thẳng cửa võng xuống có câu đối viết:
Giáp bảng tam tiêu chung tú Bắc
Mão trang song phụng hiển linh Dông
(Bảng giáp đậu ba ngôi, xứ Bắc nêu gương đẹp đẽ
Mão trang thờ hai sở, đình Đông hiển hiện linh thiêng)
Ngày xưa hoành phi, câu đối treo kín bẩy gian đình. Nay đã mất mát gần hết.
Theo biên bản kiểm kê ngày 11 tháng Hai năm 1948 của kì lão, chức dịch làng Đông thì đình Đông có những thần khí sau:
3 bộ áo đại trào (mặc cho thần) 3 bộ long hia
3 lá cờ lệnh (cựu lệnh kì) 12 lá cờ to(đại trung kì) 1 cái tán che long đình
3 cái tàn che ngựa 6 cái quạt
3 cái tàn che kiệu
32 cái áo lậu để phù giá mặc khi rước 3 bộ yên cương
1 câu đối thêu trên gấm
2 chiếc khăn đậy đồ tế( phủ mịch) 11 đạo sắc phong cho Thành hoàng 1 đôi lộc bình to (đại lộc bình)
1 đôi lộc bình cỡ vừa (trung lộc bình) 1 cái đỉnh lớn (đại đỉnh)
1 bộ tam sự (đỉnh và hai cây nến) 1 đôi hạc thắp nến bằng đồng
2 bộ lò hương (hương lô) trong đó có một bằng đồng, một bằng sứ.
13 nậm rượu (bắc tửu tôn) trong đó hai cái vẽ phượng , một cái vẽ lân.
23 cái chén trong đó 9 chén bạc, 9 chén thủy, 5 chén trắng 14 chiếc đài đồng
1 cái dùi ngà voi
6 thanh kiếm đồng
3 thanh long đao bằng đồng 1 cái lệnh (mã la)
1 cái chiêng lớn và 4 cái chiêng nhỏ 4 cái đỉnh đang treo bốn góc kiệu
2 cái chậu đồng để rửa tay
1 cái chậu hóa văn bằng đồng ( đựng tro văn tế) 1 cái nồi đồng to( đại đồng oa)
4 cái mâm bồng (cao bàn)
1 cái mâu thau nhỏ (tiểu đồng bàn) 25 cái mâm đồng (đồng bàn)
Qua chiến tranh, những đồ thần khí nói trên đã bị mất gần hết. Riêng bộ đại lộc bình vẽ cửu long tranh châu, cao 89,5 cm; miệng loe 33cm; đáy 21,5 cm, được đặt trên đế gỗ, do ông Vũ Quan Kế (cai Kế) cung tiến năm 1930, đem gửi sang đình Đoài là còn nguyên vẹn.
Ở đình Đông có ba chiếc bia đá. Hai bia hậu ở đông đình và tây đình đều dựng vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 (1779). Chiếc bia thứ ba ở ngoài mặt sân, một mặt khắc năm Mậu Tí, niên hiệu Minh Mệnh thứ 9 (1828), một mặt khắc năm Quý Sửu, Tự Đức thứ 6 )1853). Hai mặt bia cách năm 25 năm, nhưng cùng nói về những người có công dựng cầu, sửa đường giao thông thuở ấy.
Văn bản chữ Hán có giá trị nhất là sổ làng trong đó ghi toàn văn bản hương ước Mão Điền được soạn từ năm 1881 gồm 31 điều. Nhờ có văn bản này ta hiểu thêm về quy chế làng xã và những lệ luật của làng mà nhiều khi “phép vua còn thua lệ làng”.
Bộ đồ bát cống ở đình Đông chạm rồng, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Bộ đòn được chồng kiệu thần lên trên, lắp bốn chiếc đòn gánh, cho tám người khênh. Nơi lắp đòn gánh có đặt ổ khóa gọi là “bánh chè” , giúp cho người khiêng kiệu di chuyển dễ dàng mà kiệu không bị siêu vẹo.
Đình Đông còn hai di vật nữa theo chúng tôi là rất quý hiếm.
Đó là phỗng đá và sập đá. Phỗng đá cao khoảng 60cm, tạc một người cởi trần, hai tay chắp trước ngực như nhiều pho tượng đá thường gặp. Dân làng cho biết phỗng đá là người hầu cận đức thành hoàng (nên gọi là quan bộ hạ), được thờ ở chỗ sâu dưới bệ gạch. Chức vị nhỏ lại ở nơi kín nên không mấy người biết đến. Song thật chẳng may cho vị chủ tế nào đó, vì không biết mà để cho phỗng bị bụi bặm. Lập tức vị đó sẽ chịu hình phát, mụn nhọt, ngứa ngáy khắp người ! Vì thế ông cũ truyền cho ông mới, mỗi năm phải tắm cho phỗng ít nhất một lần.
Cũng chế tác bằng đá song chiếc sập đá đình Đông lại làm cho người ta băn khoăn về công dụng của nó. Sập có chiều dài 1,6 mét, nhưng chỉ cao có 0,4 cm. Bề rộng 0,6 mét . Với khuông khổ, thấp và hẹp như thế, gọi là sập đã đúng chưa? Hay đây chỉ là một mặt của chiếc sập đã mất? Mặt này có lẽ là mặt tiền nên được trang trí tám ô vuông liền nhau, sáu ô trang trí chữ Vạn (卍)hai ô trang trí hoa cúc, hai ô trang trí chim thư cưu. Phía dưới ô này là giải hoa gấm cách điệu. Chưa biết niên đại chiếc sập này. Có người cho rằng đây là sản phẩm đời Trần.?
Lễ nhập tịch đình Đông bắt đầu từ mồng Bẩy đến mồng chín tháng Hai và cũng rước thần về tế ở Ngè, nhưng đường đi thì dài gấp ba lần từ đình Đoài ra nghè. Năm nào đình Đông rước cũng hay bị mưa, chẳng hiểu vì sao.
Mới đây năm 1996, đình Đông khánh thành tam môn gọi là Trùng môn động tịch. Chiếc tam môn nguy nga, đồ sộ này càng làm tăng thêm vẻ đẹp tôn nghiêm của di tích đình Đông.


Phần tiếp theo Chương 6: Đình chùa và Lễ hội - Phần 3
Bản mềm do người chuyển bản điện tử cung cấp.

Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức!


  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: [Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 6 - Phần 2) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh Rating: 5 Reviewed By: Unknown