728x90 Banner

Tin mới
Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

[Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 6 - Phần 1) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh


CHƯƠNG 6: ĐÌNH CHÙA VÀ LỄ HỘI (PHẦN 1)
Trải qua mấy trăm năm, các di tích ở Mão Điền bị thời gian và chiến tranh phá hủy khá nhiều. Ngày nay lũy cao, hào sâu trong làng đã bị san phẳng. Không thể hình dung “núi làng Chằm cách ngọn răm tới trời” : là thực hay hư? Cũng không thể mô tả chính xác cổng làng xây bằng gạch, cao lớn, đồ sộ như thế nào mà đám rước đi qua không phải xuống xe, hạ kiệu? Ai đó đã viết trên cổng làng bốn chữ:
“Cao đại kì môn” và đôi câu đối:
Cao dung xa mã càn khôn hậu
Đại khải văn minh nhật nguyệt tân."
(Cao tựa càn khôn chở che xe ngựa
Lớn như nhật nguyệt soi sáng ngày đêm)
Cao đại còn để chỉ xóm Cao Đại (xóm Cả), nơi dựng cổng làng. Xóm vẫn tồn tại nhưng kỳ môn đã mất. Thế cuộc vần xoay, bể dâu biến đổi. Hình đồ “Nhật nguyệt hãn môn” trên cánh đồng Đìa trũng trở lên quá bé nhỏ so với hệ thống tưới tiêu hiện đại. Ngay đến đình Vật, một sân vận động nổi tiếng ngày xưa cũng chỉ còn lại trong tâm tưởng những người cao tuổi.
May thay một số di tích được nhân dân bảo vệ, chống chọi với biết bao thử thách, còn tồn tại đến ngày nay, như một bằng chứng sinh động về văn hóa‐ văn minh của làng xã. Đó là Đình Đoài, Đình Đông, chù Khánh Lâm, Miếu Hào, Nghè, tấm bia vuông Đình Vật… kèm theo là những lễ hội, diễn xướng, nghệ thụât dân gian… mà thiếu nó có lẽ không thể hiểu đầy đủ về cuộc sống và tư tưởng người xưa.
ĐÌNH ĐOÀI là ngôi đình của làng Mão Điền Đoài. Trước kia đình Đoài được xây dựng ở xóm Ngòi, sau chuyển vào giữa làng, tọa lạc trên đất xóm Đình hiện nay.
Đình được xây dựng từ đời nào không rõ. Tấm bia đá duy nhất còn lại trong đình là bia “Trùng tu đình bi kí” cho biết đình Đoài được trùng tu vào thời nhà Mạc, khởi công từ ngày 7 tháng 10 năm Diên Thành thứ bẩy (1584) đến này 17 tháng Một thì hoàn thành (vừa đúng 40 ngày). Niên đại trùng tu tuyệt đối trên xếp đình Đoài vào loại sớm nhất trong các đình còn lại của xứ Bắc. Đình Lỗ Hạnh (1576), đình Thổ Hà (1686), đình Viêm Xá (1692). Người bỏ tiền trùng tu đình là Vũ Kì làm quan Chánh võ úy ở Vũ An nha thần Dũng tả sở (góp 38 lạng bạc) và nho sinh Nguyễn Chí Thiện (góp 38 quan tiền).
Sau đợt trùng tu ấy còn nhiều lần sửa chữa, tôn tạo khác:
Ngày 10 tháng Tư năm Ất Hợi, Gia Long thứ 14 (1815). Ngày 15 tháng Mười năm Canh Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850). Hai lần này không biết sửa chữa thay đổi những gì. Ngày, tháng sửa chữa ghi trên thượng lương gian giữa phía tây và phía đông.
Tháng 6 năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định (1919), nối thêm vào hai đầu tòa đại bái, mỗi đầu một gian, nâng số gian bái đình lên 9 gian.
Hiện nay đình Đoài có kiến trúc hình chữ Công (工). Chiều dài tòa bái đình 9 gian, đo được 27,6 mét. Chiều rộng 9,4 mét. Hậu cung ăn sâu vào 8,4 mét. Tổng số cột 60 chiếc. Cột cái có đường kính 0,42 mét, cao 4 mét, đặt trên bệ đá cao 0,4 mét. Cột con cao 2,7 mét. Các vì kèo kết cấu theo kiểu chồng rường. Các bức cốn đều chạm cách điệu tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (thông, trúc, cúc, mai). Toàn bộ sàn đình lát gỗ lim, cao hơn mặt nền 0,7 mét. Hiên đình có một bậc lát đá xanh. Hai bên sân đình trước có tả vu và hữu vu, nay đã phá bỏ, xây bếp và nhà chứa đồ. Nối với sân là tam môn xây bằng gạch. Qua tam môn ra ngoài là ao làng, giữa ao có án đình hình con rùa.
Người được thờ trong đình là ba vị tướng họ Chu, gọi là Tam vị đại vương. Họ là ba anh em cùng sinh một bọc, cùng đỗ tiến sỹ, cùng phò Lê diệt Mạc và cùng hóa. Bốn vị hậu thần được thờ phối hưởng là Văn Trai tiên sinh (Tức Chánh võ úy Vũ Kì), Trúc Hiên tiên sinh (Bố đẻ nho sinh Nguyễn Chí Thiện), bà Thị Huyên tiên sinh (không rõ sự tích) và Trung Lương tiên sinh (tức ông Vũ Đăng Doanh, cháu bẩy đời Vũ Kì, làm tuần tổng. Tương truyền đất làm
đình hiện nay là do ông cung tiến).
Cách bài trí: nơi thâm nghiêm nhất trong hậu cung đặt ba chiếc ngai sơn son thếp vàng. Mỗi ngai có một giá bài vị của đức thánh.
Đức thánh cả ngồi giữa, hai bên là đức thánh Hai và đức thánh Ba. Từ ngày 23 tháng Chạp năm trước đến hết tháng Hai năm sau, ba giá bài vị được khóac áo đại trào, đội mũ bình thiên. Các ngày khác mặc thường phục. Trước ba ngai đặt các đồ thờ như chén, bát bạc, nậm cổ, bình hương cổ và đôi lộc bình. Quan lần cửa cấm, bên ngoài bày long đình, long kiệu, cũng có bình hương và các đồ thờ khác. Lại qua một lần cửa nữa gọi là cửa võng mới tới tiền tế. Cửa võng chạm trổ rất công phu đề ba chữ đại tự Hiển Linh Từ, bên dưới là bốn chữ “ Thánh cung vạn tuế” . Hai bên chạm trổ cực kỳ công phu tinh xảo. Trên hương án bày bình hương lớn, đỉnh đồng, cây nến đồng và đôi lộc bình cắm hoa… Hai bên hương án, ngoài đôi hạc gỗ đứng trên lưng rùa chầu vào, mỗi bên còn có giá cắm đao, chùy, kiếm, kích và tàn, lọng. Bên tả, bên hữu bái cung ra ngoài đều treo kín câu đối. Sát mái là những bức hoành phi. Nội dung hoành phi, câu đối đều ca ngợi công đức của thành hoàng.
Hoành phi : Công tại quốc ( có công với nước) Tham thiên vị (sánh ngôi trời), Công tại vạn thế (Công để muôn đời), Như tại thượng (Như thấy trên cao).
Câu đối tiêu biểu:
"Kí thuyết Bắc lai, côn ngọc tam chi tịnh tiến sĩ
Tương lại Mão hóa, biểu thùy chung cổ hiển linh từ"
(Nghe đồn Bắc quốc sang đây, ba cành ngọc cùng thời tiến sĩ
Rồi đến Mão Điền đều hóa, một đền thờ muôn thuở biểu dương).
Lịch sĩ tham mưu tương thánh đức
Phù Lê thảo Mạc kỉ thần công
(Giúp Lê, dẹp Mạc, ghi công thánh
Quan cả, mưu cao, tỏ đức thần)
Hòe mậu đức phù lưu Bắc địa
Trúc minh vũ liệt phấn Nam thiên
(Gốc Hòe đất Bắc từng xanh tốt Vẻ trúc trời Nam lại sáng tươi)
Đình Đoài bảo quản được khá nhiều đồ thần khí có giá trị bằng vàng, bạc, gốm sứ. Theo biên bản ngày 21 tháng 7 năm 1989 do UBND xã lập khi kiểm kê thấy có :
20 đạo sắc phong
9 cái chén bạc (cao 4cm; miệng rộng 4,7 cm; đáy 2,4 cm)
4 cái bát bạc (cao 5cm; miệng 11cm ; đáy 5,5 cm) 11 nậm sứ cổ gồm ba loại
3 cái long quấn thư (cao 21,7 cm; miệng 1,8cm; đáy 6,3cm) 2 chiếc vân phượng (cao 22,8cm; miệng 2cm; đáy 6cm)
6 chiếc tam lân nút bạc (cao 21cm, miệng 1,8cm; đáy 5,6cm) 1 đôi lộc bình cổ rụt ( cao 62,5cm; miệng 18,5cm; đáy 18cm) 4 chiếc bình hương sứ (cao 36,5cm; miệng 22cm; đáy 14,5cm)
Cả 4 chiếc này đều vẽ lưỡng long chầu nguyệt.
8 chiếc kèn đồng (6 chiếc bỏ bịt bạc, tay nắm bạc) 1 chiếc chúc bản bằng đồng bạch.
Ngoài ngày mồng một (sóc) và ngày rằm (vọng) hàng tháng, đình Đoài còn có các lễ vào những ngày Tết trong năm : Tết Nguyên Đán (mồng một đến mồng ba tháng Giêng), Tết Đoan Ngọ (5 tháng 5), Tết Trung Nguyên( 15 tháng 7), Tết Trung Thu(15 tháng 8), Tết Trùng Thập (10 tháng 10), Tết Ông Công (23 tháng Chạp) và các ngày Thánh đản (23 tháng 8), Thánh hóa( 15 tháng 3), giỗ hậu Trung Lương ( 11 tháng 3)…
Lễ được tổ chức trọng thể nhất trong năm là lễ nhập tịch. Bắt đầu bằng nghi thức cất cây đám. Cây đám bằng gỗ sơn son, dài 4 mét, đường kính 8 cm. Ngày thường cây đám được gác lên hai con bọ, đóng ở hai cây cột giữa gian đình, cách mặt nền 2 mét. Ngày mồng 3 tháng 2, cây đám được hạ xuống. Khoảng 5 giờ ngày mồng 4 tháng 2, cây đám được đặt trên hai chiếc đẳng gỗ cao 0,95m. Ông đám cựu (tế chủ năm trước) đứng ở cạnh chiếc đẳng về phía tây.
Ông đám tân (tế chủ mới) đứng cạnh chiếc đẳng về phía đông. Chiêng , trống nổi lên. Phương ca trù tấu nhạc. Ông đám tân, có đào nương đỡ giọng, nhìn vào trong đình, đọc bài chào:
Phụng điệu
Thần làng tôi chào: đức đệ Nhất đại vương
Thần làng tôi chào: đức đệ Nhị đại vương Thần làng tôi chào: đức đệ Tam đại vương
Tôi lại chào : Ông Văn Trai tiên sinh, ông Trúc Hiên tiên sinh, bà Thị Huyên tiên sinh, ông Trung lương tiên sinh, 12 họ tiên sinh về đình nghe hát.
Phù hộ cho làng hòa cốc phong đăng
Phù hộ cho làng vật thịnh nhân khang
Phù hộ cho làng lão đương ích tráng
Phù hộ cho làng trai gái yên lòng…
Đọc dứt câu, hai ông tân cựu có đào nương giúp sức, cùng nâng cây đám lên đặt vào con bọ. Lễ cất cây đám tượng trưng cho sự bàn giao giữa ông đám cựu cho ông đám tân, giữa cái mới, tiến bộ, thây cho cái cũ, lạc hậu. Bởi vậy ông đám tân bao giờ cũng phải cố gắng đặt trước ông đám cự, đó là dấu hiệu thịnh vượng của làng xã.
Sau lễ cất cây đám sẽ tiến hành lễ nghinh thần cầu phúc; nghĩa là mở hội rước thần, lệ thường ba năm tổ chức một lần. Để cho đám rước nghiêm trang, quy củ, người ta phải cắt phù giá, phu kiệu , phu cờ, tập luyện từ mấy hôm trước. Đi đầu đám rước là lá cờ đại, hương án, cờ ngũ hành. Kế theo là ba con ngựa to lớn với đầy đủ yên cương, lục lạc. Ngựa đỏ của đức thánh Ba đi trước. Ngựa trắng của đức thánh Cả đi giữa. Ngựa đen của đức thánh Hai đi sau.
Ngựa nào cũng được che tàn lọng. Rồi đến hiệu của đức thánh Ba có chữ Thọ, hiệu đức thánh cả có chữ Phú, hiệu đức thánh Hai có chữ Quý. Hai bên kiệu, trai tráng mặc áo lậu, nẹp đỏ, vác các đồ binh khí như gươm, đao, mâu, kích đi hộ vệ. Xen giữa kiệu, ngựa là chiêng, trống, cờ xí và phường bát âm. Tế chủ mặc áo thụng xanh, độ mũ bằng đầu, đi hia, có ông bồi tế hai bên, vòng tay kính cẩn đi sau kiệu. Các vị chức sắc, bô lão, khăn đóng áo dài đi tập hậu. Đám rước diễu hành từ đình ra nghè làm lễ tế rồi lại rước về. Khi về kiệu thì ngựa đức thánh Cả đi trước, lần lượt tới đức thánh Hai, đức thánh Ba. Đám rước là nghi thức diễn lại việc tam vị đại vương đi đánh giặc. Lúc ra quân, đức thánh Ba vũ dũng hơn cả làm tiên phong, đức thánh cả giữ trung quân, đức thánh Hai bảo vệ phía sau. Lúc thắng trận trở về thì anh cả đi trước rồi đến các em. Về đến sân đình, rước long kiệu vào trong tòa đại bái. Đức thánh cả ngồi giữa, bên hữu phía tây là đức thánh Hai, bên tả phía đông là đức thánh Ba. Các quan viên làm lễ tế yên vị.
Lễ hội đình Đoài kéo dài từ mồng 4 đến mồng 7 tháng Hai mới chấm dứt. Ở những ngày sau đều có hình thức vui chơi như diễn chèo, hát ả đào, đánh cờ người, đánh đu, chèo đò bắt vịt… Năm nào hai làng rước giao hảo thì có hội vật.

Hiện vật văn khắc đình Đoài, ngoài tấm bia đá đời Mạc dựng năm 1587 còn có bảng MĨ TỤC KHẢ PHONG do vua Tự Đức ban thưởng vào ngày tốt tháng 11 năm Tân Mùi (1871) và một bản Danh sách các vị tế chủ từ 1844 đến 1954 . Trong thời gian 111 năm ấy có tất cả 114 vị tế chủ. Sở dĩ như vậy vì có 3 năm mỗi năm hai vị tế chủ (lệ thường mỗi năm chỉ có 1).


Phần tiếp theo Chương 6: Đình chùa và Lễ hội - Phần 2

Bản mềm do người chuyển bản điện tử cung cấp.
Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức!
  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: [Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 6 - Phần 1) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh Rating: 5 Reviewed By: Tuan Vu Dang