728x90 Banner

Tin mới
Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

[Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 5 - Phần 1) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh


CHƯƠNG 5: CHĂM ĐÈN SÁCH (PHẦN 1)
Trong bài Mục lục của xã Mão Điền có đoạn :
"Quyến duy ngã đình 
Nam thiên thắng cảnh 
Bắc địa danh khu
Tam thai hậu củng tiền triều, chung tú khí nhi anh hào đĩnh xuất 
Lưỡng diện tả phù hữu bật, dục tinh linh nhi khoa giáp liên đăng."
Nghĩa:
"Mến nghĩ đình ta
Trời Nam thắng cảnh
Đất Bắc danh khu
Tam thai sau trước chầu vào, thâu khí tốt mà anh hào nổi tiếng 
Lưỡng diện đôi bên giúp rập, nhờ thần thiêng mà khoa giáp liền tên"
Bài minh trên bia đá cổng làng cũng viết:
"Hoàng thiên sinh đế nghiệp
Lê Trịnh ức vạn niên
Kinh Bắc cảnh Siêu Loại
Thuận An nhất Mão Điền
Địa linh hình tráng tú
Nông trần trần phú túc
Sĩ lũy lũy danh liên" 

Nghĩa:
"Trời sinh ra nghiệp đế
Lê – Trịnh ngàn vạn năm
Siêu Loại đất Kinh Bắc
Mão Điền thuộc Thuận Thành
Đất thiêng đẹp lại mạnh
Hiền tài nối tiếp sinh
Nông bề bề giàu thóc
Sĩ lớp lớp đề danh"

Xem thế thì Mão Điền rất tự hào về mảnh đất và con người quê mình. Đồng thời cũng cho ta biết sự học ở Mão Điền rất được coi trọng.
Ngày xưa khi chữ Hán được dùng làm văn tự chính thức của quốc gia, ở Mão Điền đã có dăm, ba trường do các thầy đồ, thầy khóa dạy học. Các trường ấy chỉ dậy cho trẻ biết chữ, làm được câu đối, thơ, phú chứ không dậy toán, dạy khoa học tự nhiên. Trẻ làng lên bẩy tuổi làm lễ “ khai tâm” đi học vỡ lòng. Học thầy nào thì phải đóng góp tiền, gạo để nuôi thầy ấy. Thế là hình thành tổ chức môn sinh hay còn gọi là hội đồng môn. Hội đồng môn có trưởng tràng để chỉ huy chung, có ruộng đất, ao, vườn để thu hoa lợi. Hằng năm hội đồng môn dùng hoa lợi thu được sắm lễ vật biếu thầy vào những dịp lễ, tết, mừng thọ. Khi thầy qua đời, hội đồng môn lo liệu tang lễ cho thầy rồi sau đó cứ ngày giỗ thầy họp nhau làm lễ cho trọn đạo thầy trò “sống tết, chết giỗ”.
Chính truyền thống tôn sư trọng đạo ấy đã đề cao vị trí của người thầy và góp phần đào tạo nên nhân cách văn hóa của con người trong xã hội, dẫu rằng không phải ai đi học cũng thành đạt, thậm chí có người chỉ cắp sách đến trường có một ngày! “ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư “ (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) vậy đó.
Vào thế kỷ 19, những trường nổi tiếng của Mão Điền là trường của thầy Ngô Trần Đức Minh và thầy Ngô Huy Cơ.
Thầy Ngô Trần Đức Minh hiệu là Thiện Đường, đỗ ba khoa tú tài (gọi là tú mền). Thầy sống vào nửa đầu thế kỷ 19. Trường của thầy đào tạo được nhiều nhân tài, trong đó có Nguyễn Hữu Chính người làng Bình Ngô (nay là xã An Bình), đỗ Đồng tiến sỹ khoa Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị thứ tư (1844) và Nguyễn Văn An người làng Đạo Tú (nay thuộc xã Song Hồ) đỗ phó bảng cùng khoa 1844.
Thầy Ngô Huy Cơ là cháu đích tôn của quan Tam tri bộ binh Ngô Huy Tuấn. Thầy sống vào đời Tự Đức, thi đỗ bốn khoa tú tài (gọi là tú đụp). Thầy vừa dạy học vừa ôn luyện để đi thi. Học trò đông đến hơn sáu trăm người , danh tiếng khắp vùng. Năm Giáp Thân 1884, Ngô Huy Cơ nhận sắc chỉ làm quyền nhiếp biện phủ Thuận Thành. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Ham Nghi, Ngô Huy Cơ cùng Tán lý quân vụ Nguyễn Cao (Người Cách Bi, Quế Dương) và cử nhân Dương Khải (người Chương Xá, Thuận Thành) nổi dậy, thành lập Đại nghĩa đoàn, chống lại thực dân Pháp xâm lược. Cuộc kháng chiến thất bại, Nguyễn Cao bị bắt. Ngô Huy Cơ chạy lên vùng rừng núi Lục Ngạn ẩn náu. Khi giặc Pháp phát hiện, để giữ tròn khí tiết, ông đã tự tử, khi ấy mới 53 tuổi.
Sống trong địa phương có truyền thống hiếu học và nhiều thày giỏi, tại sao người Mão Điền đỗ đạt không nhiều?
Giải thích tình trạng này, xưa nay vẫn cho rằng Mão Điền không có đất làm quan. Lại có ý kiến bảo rằng đó là sự trừng phạt của thành hoàng. Người ta kể chuyện quan tri châu Đà Bắc Ngô Huy Dụ (con Ngô Huy Tuấn) một lần từ nhiệm sở về thăm nhà. Khi đi qua Miếu Hào, quân lính bẩm có bia hạ mã (xuống ngựa). Ngài chẳng những không xuống ngựa mà còn cậy là con quan nhị phẩm triều đình, buông lời khinh khi, xấc xược.
Các vị thành hoàng làng tức giận đã làm cho quan Tri châu ngã ngựa. Từ đó dân Mão Điền không có người đỗ đạt làm quan nữa.
Chẳng biết câu chuyện hoang đường trên có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng phần chắc là việc học thời xưa chưa được phổ cập. Con em Mão Điền dẫu thông minh, hiếu học song đời sống nghèo khó, lam lũ, làm gì có điều kiện học tập đến nơi đến chốn? Duy nhất có một nhân tài vượt qua được trở lực ấy thì lại mang vinh quang về cho địa phương khác. Người đó là Lương Đức Uy sống vào cuối thế kỷ XV : Thần thư ngọc phả họ Lương ở xóm Lũy (Mão Điền) chép:
"Trời Lê mưa móc thêm chồi
Ngọc đình đản giáng một ngôi tinh tào
Gồm hai văn võ lược thao
Thiên tư thuần túy, thanh cao tuyệt vời
Khi xuất thế là nơi từ lĩnh
Lãng Mão Điền quý tính họ Lương."

Mồ côi cha mẹ, Lương Đức Uy được chú bác nuôi cho ăn học.
Mắc dù học giỏi nhưng vì chú bác cũng nghèo lại đông con, nên đến khi vác được cái cày thì chàng tự nguyện thôi học để làm việc đồng ruộng. Sức trai khỏe mạnh, ruộng đất chẳng có là bao, nên chàng thường đi làm thuê, làm mướn cho người khác. Một lần chàng xuống xứ Đông làm tá điền. Ở đây chàng gặp được một gia đình phúc hậu ở lang Đào Xá huyện Kim Động yêu mến. Thấy chàng khôi ngô, lanh lợi, gia đình nọ đã gả con gái cho chàng và cho chàng ăn học. 

Phần tiếp theo Chương 5: Chăm đèn sách -Phần 2
Bản mềm do người chuyển bản điện tử cung cấp.
Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức!
  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: [Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 5 - Phần 1) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh Rating: 5 Reviewed By: Tuan Vu Dang