728x90 Banner

Tin mới
Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

[Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 5 - Phần 2) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh


CHƯƠNG 5: CHĂM ĐÈN SÁCH (PHẦN 2)
Nước ta bấy giờ đang được một ông vua tài giỏi là Lê Thánh Tông trị vì. Việc học được mở rộng và khuyến khích, tạo điều kiện cho tuổi trẻ các tầng lớp dưới trau dồi kiến thức, bước vào con đường sĩ hoạn. Trong số 501 tiến sỹ dưới triều Lê Thánh Tông, không ít những gương mặt lam lũ, nghèo khó. Khoa Nhâm Thìn (1472) bảng nhãn Nguyễn Toàn An vốn là một tiểu tốt quét sân dọn cỏ ở điện triều. Khoa Ất Mùi (1475) anh lính dạy voi Thái Thuận cũng vinh dự có tên trong bảng vàng tam giáp…
Sống trong thời đại thái bình, thình trị, trọng dụng nhân tài, lại cảm kích công ơn của bố mẹ vợ, Lương Đức Uy quyết tâm dùi mài đèn sách. Trời chẳng phụ người. Đến khoa Quý Sửu (1493) đời Lê Thánh Tông, Lương Đức Uy đã đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân. Thế là từ một anh thợ cày, Lương Đức Uy đã bước vào con đường khoa hoạn. Sách “ Các nhà khoa bảng Việt Nam” cho biết ông làm quan đến Thừa chính sứ và có tác phẩm “Hiệu định Quốc triều điển lệ”. Về việc này, Thần thư ngọc phả họ Lương viết:
"Mà trong thần toán miếu đường 
Thi đình đã dựng bảng vàng có tên 
Quan giáo thụ, chức Viện viên
Khoa trường rồi lại cầm quyền chưởng văn
Đòi phen sứ tiết ân cần
Đòi phen san luật giữ phần công minh 
Công phu thỏa với học hành
Tóc phơ tuyết bạc, mắt tinh da vàng"

Theo lời thơ trên phải chăng Lương Đức Uy đã từng làm học quan, đứng đầu Viện Hàn Lâm và có đi sứ? Chỉ biết rằng về sau (ông hay con cháu?) tìm về quê cha, đất tổ ở Mão Điền và ngôi nhà thờ “ Hồi nguyên đường” được lập ra là biểu hiện tấm lòng về với cội nguồn của ông. Ngày nay ngôi nhà thờ vẫn còn, hằng năm con cháu ở Đào Xá vẫn về cúng tế.
Ngày xưa cứ ba năm mở một khoa thi. Thi Hương (cấp địa phương) vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu. Thi Hội (cấp quốc gia) vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Thi Hương và thi Hội đều phải qua bốn môn thi (mỗi môn thi gọi là một trường). Thí sinh phải đủ điểm ở trường một mới được vào trường hai. Thi Hương đủ điểm chuẩn ở trường ba gọi là đỗ tiểu khoa, thời Lê gọi là Sinh đồ, thời Nguyễn gọi là Tú Tài. Nếu đủ điểm chuẩn ở trường tư là trúng cách, đỗ
Hương cống (Đời Lê) hay Cử Nhân( đời Nguyễn) đó là trung khoa.
Đỗ thi hương (hương cống hay cử nhân) mới được thi Hội. Thi Hội trúng bốn trường gọi là Tiến sỹ. Không trúng được bổ làm quảng sinh ở Quốc Tử Giám. Nếu là con cháu quan viên, thi Hội trúng ba trường sung vào Thượng xá sinh, trúng hai trường sung vào trung xá sinh, trúng một trường sung vào Hạ xá sinh, học tập ở Quốc tử giám. Học xong được bổ dụng tri huyện, bạn độc, trưởng sử… Đỗ thi Hội gọi là đỗ đại khoa (Kiến văn tiểu lục).
Căn cứ vào thể lệ trên đây, tập hợp các tài liệu nói về khoa cử như Văn xuân thu định tế, bia đá, sách “ Quốc triều hương khoa lục “ đời Nguyễn…, bước đầu ta có danh sách những nhà khoa bảng Hán học ở Mão Điền như sau :

Giám sinh Quốc tử giám
1– Nguyễn Duyên Hài, Quốc tử giám xá sinh, tác giả văn bia trùng tu đình Đoài (1587)
2– Nguyễn Nghĩa Lập, tự Nho Lâm, hiệu Nghiêm Trai, Quốc tử giám xá sinh, tác giả văn bia trùng tu chùa Khánh Lâm (1626).

Hương cống
1– Ông họ Vũ, tự Hưng Tạo, thụy Triệu Thành, đỗ hương cống khoa (?) (Bia hậu hiền đình Đông)
2– Ông họ Nguyễn, tự Danh Tu (người họ Nguyễn Đức ?) đỗ hương cống khoa (?) (Bia hậu đình Đông)
3– Ông họ Lê, thụy Bá Cao, trúng tứ tràng khoa Mậu Thân (?) (Văn tế đình Đoài)
4– Vũ Văn Nhã đỗ hương cống khoa Quý Mão (?) làm tri huyện huyện Ngự Thiên.
5– Lê Trần Thạch, đỗ hương cống khoa Đinh Mão (1807), trường thi Thăng Long (tên đứng thứ 12) đời Nguyễn Gia Long, làm quan tri phủ.

Cử nhân
1– Vũ Minh Phố, đỗ cử nhân khoa Quý Dậu (?) làm quan tri phủ Thường Tín (Hà Tây)
2– Vũ Cán Phố, sách “Bắc Ninh địa dư chí” chép là Vũ Duy Trinh, đỗ Giải nguyên (đỗ đầu) khoa Tân Tỵ (1821), trường thi Thăng Long, đời Nguyễn Minh Mệnh, làm quan tri phủ.
3– Ngô Huy Tuấn, “Bắc Ninh địa dư chí” chép là Ngô Huy Toàn , thụy Quang Hiển, sinh năm 1783. Năm 16 tuổi trúng khóa sinh, 24 tuổi đỗ khoa Đinh Mão (1807), 38 tuổi đỗ Hương cống khoa Tân Tỵ (1821) ân khoa đời Minh Mệnh.
Mới đầu Ngô Huy Tuấn được bổ làm quan Hành khiển bộ công, sau làm giáo thụ huyện Thanh Lâm rồi tri phủ Quốc Oai, thanh sử tư viên ngoại lang bộ Lễ, thự Tham hiệp trấn Hưng Hóa. Sau khi phụng mệnh vua làm chủ lễ đón công sứ Pháp, ông được nhận chức cai trấn tham hiệp. Năm đó chia tỉnh Hưng Hóa ông lại được thăng Cai tỉnh Đề hình Án sát sứ, quyền thự Bố Chánh.
Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) Nùng Văn Vân nổi lên đánh phá ở miền thượng du, Ngô Huy Tuấn giữ tỉnh thành chống cự, giết giặc lập công. Sau khi dẹp yên được khen thưởng (Đại Nam nhất thống chí), thăng cai tỉnh Bố chánh sứ, Thứ lý phòng Tuần vũ tỉnh Hưng Hóa.
Hai năm sau (1835) được thăng Trung phụng đại phu, Tham tri bộ Binh (trật Tòng nhị phẩm) kiêm Đô sát viện, Hữu phó Đô ngự sử, Tuần vũ Hưng Hóa, Đề lĩnh Đốc quân vụ, kiêm Lý lương lĩnh Bố chánh sứ. Ông mất năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) thọ 55 tuổi.
Thi hài được mang về an táng tại quê nhà. Hiện vẫn còn lăng mộ.
4– Nguyễn Khắc Đôn, người làng Thụy Mão, đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1831), trường thi Thăng Long (tên đứng thứ 15), làm quan tri phủ phủ Đại An.
5– Nguyễn Đình Kiên, tên thụy Trinh Cố, đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ (1834), trường thi Hà Nội, (tên đứng thứ 22), làm quan Tri châu châu Tiên An.
6– Vũ Trọng Tiếm, đỗ cử nhân khoa (?), làm Giáo thụ huyện Tiên Hưng sau thăng lên Tri châu châu Sơn Châu, có sắc phong đề ngày 11 tháng Ba năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) , hiện lưu giữ ở nhà ông Quản Bình xóm Mận.

Sinh đồ
1– Cao Lương Năng
2– Nguyễn Xuân Nguyên 3 – Vũ Đăng Châu
4 – Vũ Đăng Phụ
5 – Vũ Danh Diễn
6 – Nguyễn Xuân Cách – húy Công Lương 
7 – Nguyễn Bá Khoan
8– Nguyễn Danh Cư
9– Nguyễn, hiệu Phúc Long 
10 – Nguyễn Xuân Cẩn
11– Vũ Đăng Đài
12– Dương Đình Quế 
13 – Ngô Văn Đỗ
14 – Nguyễn Chí Năng 
15 – Nguyễn Bá Tuân
16 – Nguyễn Tiến Túc 
17 – Nguyễn Tiến Khôi 
18 – Trần Bá Trang
19– Vũ Đăng Khích
20– Nguyễn Như Liên 
21 – Nguyễn Công Minh
22 – Nguyên Đăng Ngoạn 
23 – Nguyễn Xuân Lịch 
24 – Nguyễn Xuân Huệ
25 – Vũ Trù, tự Phúc Quán

Tú tài
1– Vũ Bá Dực , đỗ 7 khoa tú tài
2– Ngô Trần, tự Đức Minh, hiệu Thiện Đường, 3 khoa
3‐ Ngô Huy Cơ, đỗ 4 khoa 
4 – Nguyễn Quốc Trinh
5– Vũ Lập
6– Ngô Trần, tự Minh Quý, đỗ 2 khoa
7– Ngô Huy Cẩn, tự Hoài Phủ, đỗ 2 khoa 
8 – Ngô Trần, tự Chất Trực, đỗ 3 khoa
9– Nguyễn Như Hành, húy Ngọc Bình
10– Nguyễn Hi Bành, hiệu Đối Hiên, đỗ Khoa Tân Dậu(?) 
11 – Ngô, húy Nghĩa Trai , đỗ 4 khoa
12 – Nguyễn, tự Vũ Hóa 
13 – Ngô Trần Quán
14 – Ngô Trần Lân đỗ 3 khoa
Tổng số người Mão Điền đỗ trung hoa : 13
Đỗ tiểu khoa :39
Danh sách trên chắc còn thiếu sót, mong có dịp sẽ sửa chữa, bổ sung.
  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: [Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 5 - Phần 2) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh Rating: 5 Reviewed By: Tuan Vu Dang