728x90 Banner

Tin mới
Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

[Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 5 - Phần 3) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh


CHƯƠNG 5: CHĂM ĐÈN SÁCH (PHẦN 3)
Ngày xưa dân ta rất trọng người khoa bảng. Đỗ tiểu khoa đã được cả làng đi đón. Đỗ trung khoa được cả tổng, đỗ đại khoa được cả huyện đón rước. Sau khi đỗ nếu không làm quan mà về làng dạy học cũng được hưởng nhiều quyền lợi như được làm Tế chủ, trong các buổi tế Khổng Tử ở Từ chỉ, được hưởng cỗ biếu khi làng có lễ, được kết nạp vào Hội tư văn của xã và được miễn mọi khoản phu phen, tạp dịch. Tuy nhiên theo Điều lệ hội tư văn Mão Điền , những người đi thi trúng cách, phải nộp kỳ vọng văn chỉ như sau:
"Tú tài, cử nhân 10 quan
Phó bảng 15 quan
Chánh bảng trở lên 20 quan"
Do đó trong sổ làng còn ghi được những người khoa trường cung tiến tiền, ruộng cho xã như Lê Bá Cao cúng 11 quan tiền, Cao Lương Năng 11 quan, Vũ Văn Nhã cúng ruộng Văn chỉ, Vũ Minh Phó cúng ruộng Văn chỉ, Vũ Duy Trinh, Nguyễn Đình Kiên mỗi người cúng 20 quan, Ngô Huy Tuấn cúng 30 quan.( Theo dân gian thì Ngô Huy Tuấn còn làm cho xã ngôi Nghè vào năm Minh Mệnh thứ 5 (1824)).
Dưới thời thực dân Pháp đô hộ, việc học ở Mão Điền có nhiều chuyển biến. Một vài ông đồ, ông khóa vẫn mở trường dạy chữ nho (như ông Lý Thao, ông Đồ Tị, ông Đồ Đức, ông Khóa Đoán…), nhưng đã có trường hương học hàng tổng dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Thày giáo được nhà nước cử về dạy học và được chính quyền trả lương, gọi là thầy tổng sư. Đó là các ông Tô Mộng Lan, dòng dõi Tô Trân ở Văn Giang và sau này là ông Nguyễn Văn Dưỡng người Hà Nội. Học sinh ngày ấy thi đỗ bằng Sơ học yếu lược đã tính chuyện ra làm tổng, lý hoặc làm hương sư, ít người có chí hướng vươn lên. Một phần vì kinh tế eo hẹp, một phần vì đời sống của người dân mất nước chẳng được tự do học tập, thi cử.
Từ cách mạng tháng 8‐1945 đến 1954, trong hoàn cảnh chiến tranh, việc học ở Mão Điền càng bị giảm sút. Ở xã chỉ có trường tiểu học. Muốn học trung học phải ra Hà Nội. Đang học cũng bị gọi đi quân dịch, đi lính. Do vậy mà số học sinh đến trung học có thể đếm trên đầu ngón tay. (Ngô Huy Thăng, Nguyễn Xuân Uông, Nguyễn Bá Hoằng)
Sau ngày hòa bình được lập lại, năm 1955 trên cơ sở trường tổng sư và các lớp học bổ túc, trường phổ thông cấp I Mão Điền được thành lập. Trong điều kiện khó khăn ban đầu, cơ sở vật chất trường lớp chưa có, học sinh phải học nhờ các điếm, đình chùa. Đến năm 1962 với tinh thần Nhà Nước và nhân dân cùng lo, địa phương đã xây dựng đình Vật làm khi trung tâm của trường. Năm 1964 , Mão Điền là một trong số xã sớm xây dựng trường cấp II, đáp ứng yêu cầu học tập của con em địa phương.
Mục tiêu của xã đề ra là:
1– Tạo đủ cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất của các trường.
2– Huy động 100% số trẻ trong độ tuổi ra lớp. Thực hiện phổ cập trung học cơ sở trước năm 2000.
3– Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chú trọng bồi dưỡng nhân tài cho quê hương đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.
Thực hiện các mục tiêu trên, đến nay Mão Điền đã : (Số liệu theo năm xuất bản sách)
‐Xây dựng một nhà hai tầng kiên cố từ năm 1991 gồm 8 phòng học học cho trường phổ thông cơ sở.
‐Thành lập hai trường tiểu học Mão Điền I và II. Mỗi trường có 8 phòng học ở khu trung tâm Đình Vật và một số lớp lẻ ở các thôn.
Các trường tiểu học đều được trang bị đủ phòng làm việc cho giáo viên, phòng thí nghiệm và thư viện.
Ở các thôn xóm, bằng sự đóng góp của nhân dân đã xây dựng mỗi khu một nhà mẫu giáo.
Các thầy cô, từ Mẫu giáo đến trung học cơ sở đều được bồi dưỡng thường xuyên. Nhiều thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhà trường nhiều năm đạt danh hiệu tiên tiến. Học sinh tốt nghiệp các cấp đạt tỷ lệ cao. Năm 1998 Mão Điền có 3.645 học sinh, bao gồm :
425 học sinh mẫu giáo đạt 100% mức huy động 3060 học sinh tiểu học và trung học cơ sở
160 học sinh trung học phổ thông
Từ các dòng họ đến xã đều có quỹ khuyến học đề giúp đỡ, động viên các em học sinh học giỏi hoặc vượt nghèo khó, chăm học, đạt thành tích cao.
Nhờ sự chăm só của gia đình, nhà trường và xã hội , số học sinh Mão Điền thi đỗ vào các trường Đại học và Cao Đẳng luôn dẫn đầu các xã trong huyện:
Năm học 1995‐1996 : 34 em 1996‐1997: 38 em
1997‐1998: 36 em
1998‐1999: 61 em
1999‐2000: 33 em
2000‐2001: 71 em
2001‐2002: 78 em
2002‐2003: 91 em
2003‐2004: 98 em
2004‐2005: 115 em
Hiện nay số người có trình độ Cao Đẳng, đại học và trên đại học ở Mão Điền xấp xỉ 500 người , đạt tỷ lệ 3,9% trong đó có 3 tiến sỹ và hơn 10 thạc sỹ.
Điều đáng ghi nhận là đã xuất hiện nhiều tài năng có những công trình đóng góp cho đất nước. Tiêu biểu là nhà giáo Nguyễn Xuân Hy (1943 – 1987), giảng viên trường đại học Nông nghiệp Việt Bắc, chuyên gia nước cộng hòa Công‐Gô, chủ biên bộ “Từ điển Vật lý” và nhiều tác phẩm khác. Nhà văn Nguyễn Phan Hách (sinh năm 1942) – Giám đốc nhà xuất bản hội nhà văn, tác giả của 2 tập thơ, 3 tiểu thuyết và 8 tập truyện ngắn, truyện vừa. Nhà thơ, nhà nghiên cứu Duy Phi (sinh năm 1940), tác giả 5 tập thơ, 3 tiểu thuyết và 3 công trình biên, dịch. Kiến trúc sư Huy Phách (sinh 1945) với nhiều tác phẩm kiến trúc được đánh giá cao ở Bắc Giang, Bắc Ninh.
Lớp trí thức trẻ của Mão Điền như TS Ngô Huy Ánh, TS Nguyễn Quang Thuấn, TS Nguyễn Duy Thông, Ths Nguyễn Duy Kha, Ths Nguyễn Duy Ánh, Ths Nguyễn Xuân Huyến… đang công tác ở nhiều lĩnh vực trên khắp miền tổ quốc, đã mở ra một tương lai đầy hứa hẹn, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương (1).
Tuy nhiên đằng sau những thành quả ấy, chồng chất bao nhiêu nỗi lo toan, khó nhọc của các ông bố, bà mẹ và của chính người đi học. Không thiếu gia đình nông dân phải bán vườn đất nuôi con ăn học. Cũng không ít thanh niên vừa làm thuê vừa cắp sách tới trường. Nhờ tinh thần vượt khó, vượt khổ, nhờ quyết tâm chiếm lĩnh tri thức mà họ đã chiến thắng.
Tất cả những nỗ lực, hi sinh ấy đã làm nên thành tích vẻ vang cho Mão Điền , xứng đáng được nhà nước tặng trường phổ thông cơ sở HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG.


(1) Cháu Nguyễn Huy Tung sinh tháng 4 – năm 1991 ở xóm Mận (Mão Điền). Lên 4 tuổi Tung đã thuộc bảng cửu chương, đọc và đếm được chữ số hàng nghìn, biết phân biệt các hình và giải được toán lớp 3, lớp 4. Thật là một năng khiếu đặc biệt về toán học (Báo Bắc Ninh 1995)


Phần tiếp theo Chương 6: Đình chùa và Lễ hội -Phần 1

Bản mềm do người chuyển bản điện tử cung cấp.
Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức!
  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: [Sách] Phong thổ Mão Điền (Chương 5 - Phần 3) || Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh Rating: 5 Reviewed By: Tuan Vu Dang