728x90 Banner

Tin mới
Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Ngôi Đình Vật duy nhất ở Việt Nam!

Xưa nay, người ta chỉ biết đến Mão Điền (một xã thuần nông thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) bởi truyền thống khoa bảng hiếm có nhưng ít ai biết rằng đây còn là nơi duy nhất của Việt Nam có đình Vật.

Theo sử làng còn lưu lại thì dưới thời phong kiến, đình Vật là một sân vận động khá quy mô, quy tụ rất nhiều đô vật ở các vùng lận cận đến thi đấu vào những ngày đầu Xuân.
Đình Vật ở Thuận Thành, Bắc Ninh

Ngôi đình độc đáo xứ Kinh Bắc
Theo cụ Nguyễn Đình Phương, 97 tuổi (người cao tuổi nhất làng Mão Điền hiện nay) thì ngay từ khi còn nhỏ cụ đã từng được chứng kiến rất nhiều hội Vật do làng tổ chức hàng năm ở đình Vật. Tuy nhiên, về nguồn gốc và lai lịch hội Vật thì không hề có bất kỳ tài liệu nào của cha ông xưa lưu truyền lại. Tất cả những gì cụ biết được và nhớ như in cho đến tận ngày nay là do ông nội cụ kể lại cho nghe. Theo đó, lễ hội vật của làng Mão Điền (hay còn gọi là làng Chằm) đã tồn tại từ rất lâu đời và nó gắn với sự tích ba vị Thành Hoàng của làng.
Vào cuối thời Lê sơ, nhà Mạc cường thịnh nắm hết binh quyền, ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Ở làng Mão Điền có ba anh em họ Chu đứng lên, chiêu tập binh mã, ứng chiếu cần vương phò Lê diệt Mạc. Trai tráng theo về rất đông. Ba tướng họ Chu dựng một ngôi đình ở nơi có đất cao, phía Tây Bắc làng làm nơi luyện tập quân sĩ. Khi nhà Mạc tận diệt được nhà Lê, ba tướng họ Chu cũng tuẫn tiết theo vua. Về sau dân làng Mão Điền tôn lập làm Thành Hoàng.
Ngôi đình luyện quân được tu sửa lại làm nghè, gần đó dân làng dựng nên ngôi đình đấu vật, đặt tên là đình Vật. Hằng năm hội làng đều tổ chức đấu vật tại đình và coi đó là một phần nghi lễ tế thánh.
"Đình Vật của làng ngày xưa kiến trúc theo kiểu chữ Đinh gồm một chuôi vồ hậu cung và bảy gian bái đường hết sức to lớn. Trước cửa đình là một sân cỏ rộng. Hai bên sân có nhà Tả vu, Hữu vu. Trong đình chỉ có một bàn thờ xây gạch, mấy bức hoành phi, một số đôi câu đối, ngoài ra không có đồ thần khí nào khác" - cụ Phương cho biết.
Hai cụ Nguyễn Đình Phương và cụ Vũ Hồng đang kể lại nguồn gốc đình Vật.
Cụ Vũ Hồng (76 tuổi) người làng Đoài còn cho biết thêm, theo lệ làng xưa cứ ba năm hai làng Đông và làng Đoài lại tổ chức rước giao hảo vào ngày mùng 7 tháng 2 âm lịch. Lễ rước thường diễn ra vào lúc sáng sớm, sau khi đã làm lễ tế ở nghè, mỗi làng rước ba kiệu, ba ngựa thần về đình Vật. Tại đây, hội vật được tiến hành ngay với sự tham gia của rất nhiều đô vật trong và ngoài làng. Hội vật có khi kéo dài tới hàng tháng ròng vẫn chưa chấm dứt.
Đô vật về tranh giải có đủ thành phần, lứa tuổi và quê quán nhưng đông đúc hơn cả là ở vùng Bắc Giang, Hà Tây, Hà Nội, Hải Phòng... Các đô vật thường được dân làng trọng đãi, ngồi chiếu cạp điều, ăn cỗ với quan viên trong xã.
"Tôi còn nhớ, khi tôi còn nhỏ, ông nội tôi thường hay lập sới cho thuê, rồi chôn cột bôi mỡ để người chơi ở các nơi đến dự hội leo cột tranh giải. Hội đông vui kéo dài suốt mấy ngày liền, có khi cả tuần hoặc cả tháng. Sau các buổi thi đấu thường có các màn biểu diễn quan họ của các liền anh liền chị trong làng hoặc ở làng lân cận đến biểu diễn" - cụ Hồng chia sẻ.
Ông nội của cụ Hồng kể lại rằng thi vật ngày xưa cũng qua sơ khảo, chung khảo. Người cầm trịch là một vị cao tuổi, am hiểu luật lệ và có tiếng là công bằng, chính trực. Tiếng trống là hiệu lệnh thúc giục tấn công. Tiếng gõ vào tang trống là chỉ thị ngắn gọn bắt dừng trận đấu hoặc phạt điểm đô vật phạm luật. Cho nên các trận đấu thường diễn ra rất sôi nổi, quyết liệt nhưng không xảy ra tình trạng cay cú, ác ý, hay ăn thua cá cược. Đô vật nào qua đủ mấy vòng đấu là người chiến thắng phá giải. Giải thưởng thường là đôi mâm thau, mấy vuông lụa điều kèm theo hai ba quan tiền.
Người làng Mão Điền xưa nay vẫn tin rằng, năm nào trong xã có đông đô vật thi tài, đọ sức thì năm ấy đồng ruộng được mùa, người vật, xóm làng an khang thịnh vượng. Có lẽ chính vì vậy mà cho đến tận bây giờ hội vật vẫn được duy trì như một nét văn hóa tâm linh khó bỏ.
Cụ Vũ Hồng bên cạnh tấm bia cổ - dấu tích duy nhất của đình Vật còn sót lại.
Hội vật  thay hội làng
Ngôi đình Vật bề thế và quy mô, là biểu tượng của tinh thần thượng võ của xứ Kinh Bắc theo thời gian nay đã không còn. Nền cũ của đình Vật xưa nay đã được dùng để xây dựng trường học.
Cụ Vũ Hồng cho biết, vào năm 1962 khi thực hiện cải cách, ngôi đình Vật đã bị phá bỏ để xây trường học. Những đồ thờ tự trong đình, một số thì bị mất mát còn một số thì được một số đô vật trong làng bí mật di dời đến hai ngôi đình làng Đông và làng Đoài hiện tại. Cũng từ đó, lễ hội vật hàng năm dù vẫn được duy trì nhưng lại diễn ra chủ yếu ở hai ngôi đình này.
Dấu tích của đình Vật nay chỉ còn lại là một bia đá khối vuông bốn mặt, cao 0,68m, rộng 0,50m dựng đầu làng, ngay bên cạnh bưu điện xã Mão Điền. Theo các cụ cao niên trong làng thì mặt chính của tấm bia này khi xưa ghi chép rõ ràng thể lệ của hội vật ở đình Vật để các đô vật từ xa đến đây nắm được trước khi tham gia hội nhưng nay chữ đã bị mòn, chỉ đọc được dòng đầu "Thuận An phủ, Siêu Loại huyện, Mão Điền xã, quan viên văn chức đô lão cập toàn xã thượng hạ đẳng vi tạo giao điệt tràng". Mặt bên trái bia có khắc một bài minh ca ngợi con người và cảnh vật Mão Điền do 9 tác giả là người làng soạn
Lễ hội vật ngày nay ở xã Mão Điền dù vẫn được duy trì và được tổ chức khá đều đặn vào ngày mồng 7 tháng 2 âm lịch hàng năm nhưng đã có phần khác xưa rất nhiều. Các sới vật ngày nay không còn rộng lớn và nhiều như ngày xưa. Các đô vật đổ về đây cũng ít và thưa vắng dần, chủ yếu là đô vật của hai làng Đoài và làng Đông giao hảo với nhau.
Cũng theo một số cụ cao niên của làng thì hội vật Mão Điền dù không còn to như trước nhưng họ vẫn duy trì khá đầy đủ các thủ tục lễ bái và rước. Vào trước ngày hội, ban tổ chức lễ hội của hai làng Đoài và Đông sẽ họp nhau lại, cắt cử người chuẩn bị kiệu, lọng, cờ, trống... và đúng ngày hội từ tờ mờ sáng người trong làng đã tề tựu trước đình làng để bắt đầu lễ rước vòng quanh làng. Thường thì đình làng Đông bao giờ cũng thu hút đô vật và người đến dự hội đông hơn làng Đoài do đình làng Đông quy mô rộng lớn hơn. Nhiều người con cho rằng đình làng Đông chính là bóng dáng của đình vật xưa.
Cũng có lẽ vì thế mà khi nhắc đến hội vật, niềm háo hức, hứng khởi thể hiện khá rõ trên nét mặt rạng ngời của rất nhiều người làng Mão Điền nào. Đối với người dân Mão Điền, dường như hội vật hàng năm không chỉ là một hội vật thể hiện tinh thần thượng võ mà nó còn là một hội làng mang rất nhiều màu sắc tâm linh của dân làng Mão Điền đối với ba vị thành hoàng làng họ Chu. Điều này thể hiện khá rõ qua đôi câu đối, là dấu tích của đình Vật xưa được đặt trang nghiêm hai bên ban thờ của mỗi ngôi đình: "Nhị xã, hội thông chiêu văn chiêu vật/ Ức niên hưởng tự tại miếu tại đình". Tạm dịch: Hai xã mở hội chung, đón văn đón vật/ Muôn năm được thờ cúng, tại miếu tại đình.(Hai chữ cuối ghép lại thành chữ Đình Vật tiếng nôm).
  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: Ngôi Đình Vật duy nhất ở Việt Nam! Rating: 5 Reviewed By: Unknown