728x90 Banner

Tin mới
Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phát triển BHYT, tiến tới BHYT toàn dân

Mục tiêu BHYT toàn dân và những kết quả bước đầu
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhằm huy động nguồn lực tài chính của xã hội, cùng với Nhà nước chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chính sách BHYT ở nước ta ra đời từ năm 1992, đến nay đã trên 20 năm.
Qua thực tiễn hoạt động, chính sách, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện, con đường tiến tới thực hiện BHYT toàn dân được chỉ rõ tại các văn kiện của Đảng, quy định trong Hiến pháp 2013, Luật BHYT và đang dần trở thành hiện thực. Ngày 29/11/2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 68/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, trong đó xác định rõ mục tiêu “Bảo đảm đến năm 2015 có ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT”.
Có thể nói, chủ trương, chính sách, pháp luật BHYT đến nay đã được hoàn thiện, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả nhất, để mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT.



Thực tế cho thấy, sau 05 năm thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đã có sự tăng trưởng khá nhanh, từ 60% (tương ứng với 52,4 triệu người) vào năm 2010 đã tăng lên 71,6% (tương ứng với 64,7 triệu người) năm 2014. Như vậy, bình quân mỗi năm tỷ lệ bao phủ BHYT tăng lên khoảng 2,2% (tương ứng với 2,46 triệu người). Đáng chú ý là đã có sự dịch chuyển ở các nhóm. Đối tượng được ngân sách nhà nước đóng có xu hướng giảm trong khi cá nhân tự đóng tăng. Điều này thể hiện nhận thức của người dân về sự cần thiết của BHYT đang có sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHYT giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch. Các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT cao có số đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là chủ yếu. Trong số những địa phương đạt tỷ lệ trên 90% dân số tham gia BHYT, chỉ có duy nhất Thành phố Đà Nẵng là địa phương có số đối tượng tự đóng chiếm phần lớn.
Ngày 01/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TTg về việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Tiếp đó, ngày 02/04/2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Là cơ quan được Chính phủ giao tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật; phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố tích cực triển khai đưa Luật BHYT đi vào cuộc sống; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Luật. Công tác tổ chức thực hiện Luật đã nhận được sự vào cuộc khá tích cực từ chính quyền địa phương, với sự tham mưu của BHXH các tỉnh, thành phố và Sở Y tế các địa phương. Tính đến 19/05/2015, đã có 40/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch, Quyết định, Công văn chỉ đạo triển khai Luật BHYT Sửa đổi. Một số địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Luật BHYT Sửa đổi. Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, BHXH các tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ thường trực, thông báo đường dây nóng, bố trí giám định viên thường trực 100% tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để hướng dẫn, giải thích và giải quyết những vướng mắc phát sinh cho người bệnh BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh và các tổ chức, cá nhân giao dịch về BHYT.
Chỉ trong Quý I/2015, cả nước đã có 30,2 triệu lượt người khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT (trong đó có 27,4 triệu lượt ngoại trú và 2,8 triệu lượt nội trú), tương đương với cùng kỳ năm 2014. Do quyền lợi được mở rộng nên chi phí khám, chữa bệnh BHYT Quý I/2015 tăng 15%  so với cùng kỳ 2014 (9.915 tỷ đồng), chiếm 97,7% nguồn Quỹ được sử dụng. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được đảm bảo.
Một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra
Kinh nghiệm thực hiện BHYT toàn dân tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, có 02 điều kiện tiên quyết là phải tuân thủ nguyên tắc bắt buộc và tham gia theo hộ gia đình. Cả 02 quy định này tuy đã được đưa vào Luật BHYT Sửa đổi, bổ sung nhưng hiện tại chưa có chế tài thực hiện. Do đó, mặc dù Luật đã quy định, nhưng việc phát triển đối tượng tham gia BHYT còn chậm và chưa thực sự bền vững. Trong 05 năm thực hiện Luật BHYT (từ 2010 đến 2014), trung bình mỗi năm chỉ tăng độ bao phủ khoảng 2,2%, và tỷ lệ tăng chủ yếu ở các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng, nhóm đối tượng tự đóng chủ yếu là những người có nhu cầu khám, chữa bệnh cao (mắc các bệnh mãn tính, nan y).
 Trong 05 tháng đầu năm 2015, số người tham gia BHYT giảm so với thời điểm cuối năm 2014, tập trung chủ yếu ở nhóm do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng. Cụ thể, ở nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ, tính đến hết Quý I/2015, tỷ lệ tham gia đạt 76%, nhưng riêng nhóm đối tượng cận nghèo chỉ có khoảng 2,6 triệu/6,5 triệu người (bằng 40,6%) tham gia; nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng cũng đạt tỷ lệ thấp (64,53%). Nhóm học sinh, sinh viên dù đã thực hiện BHYT bắt buộc từ năm 2010 nhưng đến nay cũng vẫn còn 25% chưa tham gia. Đặc biệt, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình dù số lượng đã tăng 2,8% so với cuối năm 2014, đạt hơn 7,7 triệu người, nhưng vẫn là nhóm có tỷ lệ tham gia thấp so với tiềm năng (31,45%). Mặt khác, nếu căn cứ vào tần suất khám, chữa bệnh BHYT của nhóm này (4,34 lần/người/năm, gấp hơn 02 lần so với tần suất khám, chữa bệnh trung bình của các nhóm đối tượng khác), có thể khẳng định rằng dù đã có quy định bắt buộc tham gia BHYT nhưng hầu hết đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT đều đang "lựa chọn ngược": chỉ những người khi mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính, chi phí điều trị lớn mới tham gia BHYT. Do đó, yêu cầu đặt ra cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tính nhân văn, sự chia sẻ rủi ro, tương thân, tương ái của BHYT phải được tăng cường hơn. Cùng với đó là giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ chi phí thực tế; ngân sách nhà nước vẫn còn cấp kinh phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh theo chỉ tiêu giường bệnh, chưa chuyển đổi sang hình thức hỗ trợ trực tiếp cho người dân để mua BHYT, những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, tư tưởng chưa nhất thiết phải tham gia BHYT đối với một bộ phận nhân dân…  
Nhằm đảm bảo không để sót đối tượng và tránh tình trạng trùng lặp đối tượng, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình được giao cho UBND cấp xã với 18 loại đối tượng nằm trong diện quản lý. Tuy nhiên, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật chưa chỉ rõ trách nhiệm thu thập thông tin, lập danh sách, xác minh thông tin kê khai, người dân cần phải nộp bản kê khai tham gia BHYT cho bộ phận nào… Chính vì vậy, các địa phương vẫn lúng túng trong công tác triển khai lập danh sách và thực hiện BHYT theo hộ gia đình những tháng đầu năm 2015.
Mặt khác, trong kế hoạch thực hiện BHYT toàn dân của các địa phương, hầu hết chưa xây dựng chỉ tiêu phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng tiềm năng để có lộ trình và giải pháp phù hợp, hiệu quả. Việc thực hiện BHYT đối với người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27/05/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTB&XH ngày 29/08/2014 đến nay các địa phương vẫn chưa triển khai... Tất cả những yếu tố này cho thấy việc mở rộng 4% (tương ứng với gần 05 triệu người) tham gia BHYT vào cuối năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội thực sự là một thách thức rất lớn.
Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổng thể, quyết liệt
Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, cùng những vấn đề đang đang đặt ra, bên cạnh các biện pháp tháo gỡ từ cơ chế, chính sách, chế tài…, trong thời gian tới, việc tổ chức triển khai cần thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ, tổng thể và quyết liệt, đó là:
Thứ nhất, trên cơ sở Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020” ban hành kèm theo Quyết định 538/2013/QĐ-TTg ngày 29/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho từng tỉnh, thành phố. Căn cứ vào các chỉ tiêu này, BHXH các tỉnh, thành phố chỉ đạo BHXH cấp huyện phối hợp với chính quyền cơ sở rà soát và khoanh vùng đối với những nhóm đối tượng tiềm năng (cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp chưa được tham gia BHYT...) để tham mưu với chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đưa vào nghị quyết của từng cấp ủy địa phương, cơ sở, đồng thời có giải pháp khả thi đối với từng nhóm đối tượng.
Thứ hai, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành Thông tư liên tịch của các bộ, ngành liên quan hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thực hiện khoản 5 Điều 7c Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT về trách nhiệm của UBND cấp xã trong thực hiện Luật; quy định về quy trình tập hợp thông tin, liên kết dữ liệu để tránh cấp thẻ BHYT trùng hoặc sót người tham gia BHYT. Đề xuất cơ chế tài chính hợp lý đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong thực hiện BHYT hộ gia đình theo hướng cải cách tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHYT. Trước mắt, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình năm 2015 sẽ được thực hiện theo nguyên tắc hộ gia đình tự kê khai danh sách tham gia theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành và chịu trách nhiệm về những nội dung kê khai để gửi đại lý thu. Đầu năm 2016, cơ quan BHXH sẽ rà soát, đối chiếu danh sách gia đình tham gia BHYT, danh sách người chưa tham gia BHYT. Trường hợp còn người trong hộ gia đình chưa tham gia thì yêu cầu tiếp tục tham gia BHYT theo quy định. Khẩn trương hoàn thiện và mở rộng mạng lưới đại lý thu BHYT, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận chính sách qua nhiều "kênh" thay vì chỉ qua một nguồn là đại lý tại UBND xã như hiện nay.
Thứ tư, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu BHYT, phát huy hiệu quả hoạt động của Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam; khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung làm cơ sở rà soát, xác minh thông tin người tham gia BHYT. Để làm được việc này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin từ các đơn vị đầu mối quản lý các nhóm đối tượng như Bộ Y tế, GD-ĐT, Công an, Quốc phòng cần tích cực ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị chuyển dữ liệu đối tượng tham gia BHYT cho cơ quan BHXH để sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý người tham gia BHYT.
Thứ năm, đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, tạo niềm tin, thu hút, hấp dẫn người tham gia BHYT.
Thứ sáu, trong 06 tháng cuối năm, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển biến thành hành động cụ thể trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Toàn Ngành hợp tác với các cơ quan báo chí mở chiến dịch truyền thông thường xuyên, liên tục trên các kênh thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương; đồng thời phát huy tính chủ động, nâng cao hiệu quả của Báo BHXH, Tạp chí BHXH, Website BHXH Việt Nam và các Trang thông tin điện tử của BHXH các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, triển khai các hình thức tuyên truyền trực tiếp tới mọi đối tượng cán bộ, nhân dân. Nội dung tuyên truyền cần tập trung làm rõ sự cần thiết phải thực hiện BHYT theo hộ gia đình, là hoạt động chia sẻ rủi ro, mình vì mọi người, mọi người vì mình, tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội. Chuẩn bị bước vào năm học mới 2015 – 2016, lường trước những khó khăn do thay đổi mức đóng BHYT học sinh, sinh viên tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở, đồng thời thực hiện thu, phát hành thẻ theo năm tài chính, quy định tại Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ, toàn Ngành cần tập trung đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phấn đấu hoàn thành bao phủ BHYT tới 100% học sinh, sinh viên. Mặt khác, tích cực kêu gọi các Hội đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà tài trợ chung tay hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT tặng cho các đối tượng gặp khó khăn, hộ cận nghèo./.
TS. Nguyễn Thị Minh
Bí thư BCS Đảng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
  • Bình luận Blog
  • Bình luận Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phát triển BHYT, tiến tới BHYT toàn dân Rating: 5 Reviewed By: Unknown